featured image

Lộ trình phát triển thị trường carbon Việt Nam

Trong bối cảnh xu thế định giá carbon ngày càng phổ biển và trở thành công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Paris, đây là công cụ mang tính thị trường quan trọng, vừa có ý nghĩa điều chỉnh giảm phát thải, vừa tạo doanh thu để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu.


Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài giải pháp chuyển đổi năng lượng, còn phải sử dụng tiết kiệm năng lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải (như kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải carbon thấp), tăng diện tích trồng rừng để hấp thụ carbon và các biện pháp khác (thu hồi và lưu trữ, chôn lấp carbon).

Tất cả các hoạt động này có thể tạo tín chỉ carbon. Vì vậy, phát triển thị trường carbon là một biện pháp gián tiếp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính…

Trong thị trường carbon vận hành có 2 loại: trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon.

Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các hệ thống hạn ngạch trao đổi phát thải khí nhà kính, công cụ định giá carbon.

Nổi bật như hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của Liên minh châu Âu đã hoạt động từ năm 2005 và giúp giảm 37% lượng khí thải từ các nhà máy điện và sản xuất công nghiệp.

Singapore cũng đã áp dụng thuế carbon từ năm 2019 ở mức 5 SGD/tấn CO2 tương đương và dự kiến tăng gấp 5 lần, đạt mức 25 SGD/tấn CO2 tương đương vào năm 2024.

Các công cụ định giá carbon này trên thế giới đã kiểm soát khoảng 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Theo ước tính 1 năm có khoảng 51 tỷ tấn carbon, với 23% tổng lượng phát thải tham gia giao dịch (khoảng 12-13 tỷ tấn).

Với giá thị trường trung bình khoảng 10-15 USD/tấn, chúng ta sẽ có thêm khoảng 150 tỷ USD để thực hiện đầu tư vào sản xuất, thay đổi công nghệ.

Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá carbon, cụ thể là thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon tại Việt Nam phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường carbon tuân thủ trong nước, gồm 2 giai đoạn. Năm 2025 sẽ vận hành thử nghiệm thị trường carbon và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức, đồng thời kết nối với các sàn giao dịch quốc tế.

Trong khi thị trường carbon mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã thực hiện các giao dịch trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013,…

Theo thống kê, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới; là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ).

Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã triển khai một số các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian qua để chuẩn bị các bước cho việc xây dựng và phát triển thị trường carbon trong nước.

Từ năm 2015 đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam” với mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng, hình thành công cụ thị trường và xây dựng lộ trình tham gia thị trường carbon trong nước và thế giới.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai dự án “Triển khai thị trường carbon tại Việt Nam” để có thể thiết kế và triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo lộ trình đã quy định.

Theo VnEconomy