featured image

Sự hồi sinh của trải nghiệm mua sắm trực tiếp

Trong bối cảnh “bình thường mới” sau đại dịch COVID, sự thay đổi trong hành vi và xu hướng của người tiêu dùng đã trở nên rõ ràng. Mặc dù thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ số, nhưng mô hình bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C – Direct To Consumer) vẫn giữ vững vị thế quan trọng của mình.

Các hãng Gucci, Chanel, Louis Vuitton và một loạt các nhà bán lẻ hàng xa xỉ gần đây đang đẩy mạnh xây dựng các cửa hàng thực địa. Đây là bằng chứng cho thấy sức hút của trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng đang dần quay trở lại.

Theo ước tính từ hãng đầu tư bất động sản JLL, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ đã thuê hơn 60.000 m2 mặt bằng mới tại Mỹ trong 12 tháng qua. Con số này của năm trước chỉ xấp xỉ 23.225 m2. Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ trong thời gian ngắn) cũng bùng nổ. Không ít thương hiệu thương mại điện tử coi cửa hàng pop-up như một cách tạo nên trải nghiệm mua sắm cho những khách hàng trung thành, hoặc chỉ đơn giản là để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, tiếp thị trải nghiệm là một chiến lược quan trọng, đây là kiểu tiếp thị mời khách hàng tương tác với một thương hiệu trong “thế giới thực” và để lại cảm giác kết nối lâu dài. Công ty nghiên cứu thị trường Forrester dự đoán 72% doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ diễn ra tại các cửa hàng truyền thống trong năm 2024.

Nguyên nhân chính là do khách hàng muốn kiểm tra sản phẩm trong thực tế. Nhiều doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử thậm chí đã lấn sân để mở cửa hàng ngoài thực địa như Allbirds và Warby Parker.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng nắm bắt sức mạnh của phương pháp tiếp thị thông qua sản phẩm dùng thử – một kênh phổ biến nhất của tiếp thị tương tác.

Pop Up Grocer (một cửa hàng pop-up mở cửa trong 30 ngày, ba lần một năm, để bán thực phẩm từ các thương hiệu như Brightland, Fly by Jing và Fishwife) mới đây đã mở cửa hàng ở các thành phố như Chicago, Miami, Denver. Giám đốc điều hành và người sáng lập Emily Schildt có dự định mở cửa hàng cố định đầu tiên ở New York, nơi sẽ tổ chức các sự kiện, lớp học và buổi nếm thử sản phẩm.

Bà Schildt cho biết, Pop Up Grocer sẽ mời khách hàng dùng thử sản phẩm từ các thương hiệu nổi bật, điều này thường mang lại nhiều doanh thu hơn. “Mọi người vẫn muốn trải nghiệm thực tế những gì họ đang mua, đặc biệt nếu đó là sản phẩm có chất lượng cao cấp và đắt đỏ,” bà Schildt nói.

Trong khi đa số sản phẩm trong cửa hàng được bán trực tuyến, bà Schildt cho biết nhận xét nghe được nhiều nhất từ khách hàng là “tôi đã nhìn thấy sản phẩm này trên Instagram hoặc TikTok, nhưng đến bây giờ tôi mới quyết định mua chúng”.

Trong khi đó, thương hiệu Naked Nutrition gần đây đã thực hiện một chiến dịch kéo dài ba ngày ở New York để mời khách hàng dùng thử các sản phẩm bánh quy protein của hãng. Giám đốc Tiếp thị Ryan O’Connor nhận định: “Việc thu hút mọi người dùng thử thực sự quan trọng vì một khi họ được trải nghiệm, phản hồi sẽ rất tuyệt vời”. Mặc dù chi phí đắt hơn một chiến dịch quảng bá kỹ thuật số thông thường, nhưng ông O’Connor cho biết nhóm của ông “coi đây như một chiến dịch nâng cao nhận thức về thương hiệu tổng thể hơn là một thứ gì đó mang lại doanh thu ngay lập tức”.

Trong lĩnh vực thời trang, thương hiệu bán lẻ Sosandar tại Anh thay vì tiếp cận những chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số mới mẻ, đang lên kế hoạch mở thêm 8 cửa hàng vật lý vào cuối năm 2024 tại các thành phố đông đúc. Lý do rất rõ ràng, bất chấp sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng vẫn quan tâm đến những sản phẩm được bày bán trên khắp các cửa hàng – nơi họ có thể trực tiếp trải nghiệm, thử lên người và sờ chất vải.

“Tại sao bạn không theo đuổi 60% mà chỉ chăm chăm vào 40% còn lại ?”, ông Ali Hall, đồng sáng lập thương hiệu Sosandar đặt câu hỏi khi đề cập đến sự phân chia ngoại tuyến – trực tuyến trong thị trường bán lẻ may mặc tại châu Âu.

Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam Số 04-2024