featured image

Con thuyền khởi nghiệp đi từ đâu?

Tục ngữ có câu “Phi thương bất phú” là để khuyên những người có đam mê làm giàu hãy chọn con đường buôn bán mà

khoi nghiep lap nghiepcàng nhanh thì lại càng thích, nhất là đối với những người trẻ tuổi. dựng nghiệp. Kiếm nhiều tiền là điều ai cũng muốn, mà kiếm được 

Khi nhìn người khác kiếm ra nhiều tiền, mà càng người thân quen, người ta càng thấy sốt ruột, ghen tị. Một số có sẵn máu kinh doanh, đam mê khởi nghiệp sốt sắng đi tìm một lối đi cho mình, nhưng hầu hết đều mất nhiều thời gian để đặt một điểm khởi đầu. Có kẻ bắt đầu bằng cách đi đọc sách vở tài liệu, có người vội vàng với những ý tưởng lớn và đầu tư to. Có kẻ đem kế hoạch của mình đi xin ý kiến cho nhiều người mổ xẻ. Có người lại chọn cách kế nghiệp, hoặc đi theo một con đường sẵn lối. Tuy nhiên, không ít kế hoạch đi vào ngõ cụt, nhiều cuộc khởi nghiệp đi vào đổ bể. Bởi bài toán về khởi nghiệp luôn luôn là bài toán khó; bắt đầu từ bước ý tưởng cho đến khâu vận hành, mà ở bài toán đó phần đông thường mắc phải lỗi coi lời giải của những người càng giàu, càng thành công là lời giải càng đúng.

Khởi đầu từ sách vở

Những tháng đầu học ngành kinh doanh, tôi háo hức tiếp nhận những lời khuyên trong các cuốn sách dạy làm giàu, các buổi hội thảo theo kiểu “làm giàu không khó” và coi những lời tạo động lực của một doanh nhân to to nào đó là hấp dẫn, là đáng tin cậy, là nền móng tốt để cho mình khởi nghiệp. Sau này đến khi khởi nghiệp được rồi tôi mới nhận thấy mình đã phí hơi nhiều thời gian cho việc đó, bởi phần lớn những kiến thức ấy đều rất khó áp dụng được. Những mưu mẹo, ý tưởng, gian lận – những điểm mấu chốt mang đến những phi vụ kinh doanh thành công – là những cái mà tôi chẳng bao giờ được chia sẻ chi tiết và cụ thể, mà nếu có, thì họa hoằn là một “lời giải” cho “bài toán” ở một phương trời xa lắc, hoặc một cơ hội mà tôi chẳng còn đất mà đặt chân vào nữa mà thôi.

Từ những lời khuyên

Có câu chuyện kể rằng, sáng sớm nọ, một anh họa sĩ trẻ đem bức tranh tâm đắc của mình ra đặt ở quảng trường cùng một cây bút đỏ với lời nhắn: Hãy giúp tôi nhận ra những điểm chưa đẹp trong bức tranh này. Cuối ngày khi quay lại bức tranh, anh khá buồn khi thấy có hàng trăm vết đỏ chi chít được khoanh lên tác phẩm của mình. Lau sạch những vết mực đỏ, anh quyết định để bức tranh ở lại quảng trường thêm một ngày nữa với bút, màu và dòng chữ mới: Hãy giúp tôi sửa những điểm chưa đẹp của bức tranh. Tối ngày hôm sau khi quay lại tác phẩm của mình, cái mà anh nhận được vẫn là bức tranh của tối ngày hôm qua không gì thay đổi.

Việc lấy lời khuyên để khởi nghiệp cũng như vậy. Để chỉ ra bạn còn chưa được ở chỗ nào hay đưa ra nhận xét cá nhân thì dễ lắm. Nhưng đưa ra được một sự giúp đỡ mang tính xây dựng thì không mấy ai làm được, bởi chẳng ai hiểu động lực, đam mê và tầm nhìn của bạn hơn chính bản thân bạn; nếu hiểu được như bạn thì họ cũng bắt đầu làm rồi. Trước khi khởi nghiệp, cứ với mỗi người tôi đi hỏi tôi lại nhận được một ý kiến riêng và thường những người càng thân quen thì lại càng dễ nói những câu “bàn lùi” khiến cho bạn nhụt chí. Thế nên một trong những lời khuyên về khởi nghiệp khiến cho tôi ghi tâm nhất đó là: Lắng nghe nhiều lời khuyên nhất có thể, nhưng phớt lờ phần lớn chúng.

Mỗi thương gia lớn lên trong một môi trường riêng của họ, nắm những mối quan hệ khác nhau, mang trong mình những động lực, niềm tin riêng và quan trọng nhất là phải đi con đường của riêng mình. Phải thế mà trong ca khúc “Ngẫu hứng doanh nhân” của nhạc sĩ Trần Tiến có lời hát:

“Đời doanh nhân, thích độc hành

Đi lối đi chưa ai từng đi.

Đời doanh nhân, đánh cờ người

Chơi lối chơi chưa ai từng chơi.”

khoi nghiep lap nghiep 1

Từ đường đã có người đi

Thông thường có hai loại ý tưởng kinh doanh: nghĩ ra một sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới, hoặc phát triển, cải tiến một thứ có sẵn cho tốt hơn. Cách thứ nhất tương đối khó do yêu cầu sự độc đáo mới lạ cao về mặt ý tưởng cũng như bản lĩnh, lấy như Facebook là ví dụ. Cách thứ hai được rất nhiều người lựa chọn nhờ lợi thế ít rủi ro mà vẫn tạo được điểm nhấn cho riêng mình. Một số người chọn cách nhảy vào một thị trường chưa bão hòa để cạnh tranh lấy nguồn khách hàng khách hàng. Một số khác chọn cách tiếp quản lại công việc kinh doanh của người đi trước. Tuy nhiên trừ trường hợp gia đình, bạn sẽ ít có may mắn mua lại được một cửa hàng, khi mà người chủ của nó vẫn còn cảm thấy thị trường đang giàu tiềm năng và bơm ra nhiều lợi nhuận.

Từ đam mê hay từ đâu?

Khi có ý muốn kinh doanh, sẽ có người giục giã bạn phải nắm lấy cơ hội đừng để nó tuột mất, sẽ có người khuyên bạn hãy làm theo đam mê của mình, theo cái mình thích để làm giàu. Bản thân tôi thấy thích thì chưa đủ. Khi cái mình đam mê quá lớn, bạn cần phải bắt đầu từ những thứ nhỏ hơn để nuôi lấy ước mơ lớn của mình, cũng giống như nghệ sĩ Phạm Bằng từng nói: “Tôi nuôi nghiệp diễn viên bằng nghề làm bánh trôi tàu” vậy.

Ngay cả khi cơ hội đã rõ ràng, lối vào con đường kinh doanh đã hiện nhưng nhiều bạn trẻ đam mê vẫn chưa thể nhấc chân đi được. Bạn vẫn còn thiếu động lực để bắt đầu. Động lực của bạn không cần phải là những thứ to tát theo kiểu lý tưởng mà người ta hay được cổ động trong các hội thảo kiểu “làm giàu không khó”. Động lực chỉ cần rõ ràng như việc tôi muốn được bằng bạn bằng bè, muốn bố mẹ tôi được đi du lịch châu Âu khi nghỉ hưu, rằng tôi muốn mua cho mình một chiếc ô tô hay thậm chí chiếm được tình cảm của cô gái/ chàng trai mà tôi đang theo đuổi.

Người ta hay ví việc kinh doanh với con thuyền ra khơi mà trên đó cánh buồm tượng trưng cho động lực. Thuyền không lớn thì không thể xa khơi. Nếu đã thực sự mong muốn xây dựng nên được con thuyền của riêng mình, bạn đừng nên sốt ruột, đừng ngộ nhận khẩu hiệu “nắm bắt lấy thời cơ” mà vội vàng ra khơi với con thuyền nhỏ. Cứ bình tĩnh và bạn sẽ khởi nghiệp được khi bản thân đã đủ già dặn, bởi trên ván cờ người của riêng mình, không có gì gọi là cơ hội nếu bạn chưa đủ tự tin để đi nước cờ đó. Hãy nhớ rằng khi nén đủ đam mê và sôi sục, bạn sẽ tự hát ra được cho mình một cơ hội để giương lên một cánh buồm thật lớn.

Nước Dừa

Theo Cóc đọc số 50, 5/2013