featured image

Diễn đàn Cách tân Công nghiệp Industry Innovation Forum 2022

Sự kiện Diễn đàn Cách tân Công nghiệp – Industry Innovation Forum 2022 với chủ đề sản xuất thông minh đã diễn ra vào ngày 20/9/2022. Diễn đàn được chủ trì bởi Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và được tổ chức bởi Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao – Công ty Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP cùng Ban Tổ chức CEO Việt Nam phối hợp Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh YBA. Cùng sự đồng hành của các tập đoàn lớn hàng đầu tại Việt Nam: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải Thaco và Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình thuộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

(Khách mời Diễn đàn Cách tân Công nghiệp – Industry Innovation Forum 2022)

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong tọa đàm tại đại học Harvard ngày 14/5/2022 là Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn liền với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng và hiệu quả. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, chúng ta không thể có nền kinh tế độc lập, tự chủ nếu không có nền công nghiệp độc lập, tự chủ và ngành công nghiệp phải đóng góp tối thiểu 30% trong cơ cấu GDP. Với chỉ tiêu rất thách thức, chúng ta có thể nhập khẩu cộng nghệ, nhưng ko thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo phải tự con người Việt Nam sáng tạo. Diễn đàn góp phần nhỏ vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. 

Bà Trương Lý Hoàng Phi – Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT & CEO IBP, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Cách tân Công nghiệp 2022 cho biết trong báo cáo của các công ty tư vấn lớn khảo sát doanh nghiệp thì cho thấy 90% doanh nghiệp sản xuất tại thị trường châu Âu đặt chuyển đổi số & sản xuất thông minh vào mục tiêu hàng đầu. Vậy Việt Nam đang nằm ở đâu trong tiến trình này? Bà còn chia sẻ: “Bản thân tôi cũng không tự tin rằng sẽ có nhiều công ty quan tâm đến chủ đề này, nhưng khi nhìn thấy form đăng ký với hơn 700 doanh nghiệp và hiện diện hôm nay với gần 500 doanh nghiệp đến tham dự. Đặc biệt ngoài các công ty trong lĩnh vực công nghiệp, tôi còn nhìn thấy gương mặt của những anh chị quen thuộc đến từ các quỹ đầu tư, công ty tư vấn,… Tôi rất vui khi chương trình được anh chị trong lĩnh vực công nghiệp, đơn vị hỗ trợ quan tâm và cùng nhau tạo ra Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghiệp tại Việt Nam. 

Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư U&I đánh giá việc đổi mới sáng tạo ở cấp giám đốc hay tại các công ty chuyên gia tư vấn chưa đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, chỉ mới dừng lại ở mặt lý thuyết. Mọi người thường nghĩ đổi mới sáng tạo là cắt giảm chi phí, giảm nguồn nhân lực nhưng cùng lúc mất đi cơ hội, mất đi nhân sự tài năng. Đặc biệt, đó chưa phải là góc nhìn toàn cầu của thị trường hiện tại. Chúng ta cần phân tích sau hơn về hình ảnh toàn cầu để đưa ra được những chiến lược tốt nhất. Trong Đường cong cười (The Smiling Curve), với việc tập trung vào sản xuất chúng ta chỉ mới tập trung vào cơ bắp, nhưng chúng ta phải phát triển vào bộ óc thì nền sản xuất Việt Nam mới cao hơn. Ông nhấn mạnh sự quan trọng của yếu tố con người và câu hỏi “Làm sao để có lực lượng chất lượng?” là một bài toán mở cho mỗi người tham dự Diễn đàn phải suy ngẫm. 

Là nhà tài trợ của Diễn đàn, ông Phạm Văn Tài Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaco bày tỏ sự quan tâm sâu sắc với chủ đề của Diễn đàn, đồng thời chia sẻ về bài học kinh nghiệm của Thaco trong quá trình ứng dụng công nghệ về chuyển đổi số. Ông chia sẻ về Tập đoàn Thaco và kế hoạch xây dựng nhà máy thông minh của Thaco cũng như những dự định trong tương có gắn liền với hệ thống tự động. Một câu nói của ông khiến khán giả cảm thấy vô cùng thú vị khi ứng dụng kiến thức toán học vào lời kinh nghiệm chuyển đối số “Liên tục thì mới lấy được đạo hàm, đạo hàm thì mới có cực trị”. Để đạt được những cột mốc đỉnh cao thì trước hết trong quá trình ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số phải kiên trì, nâng cao nguồn nhân lực, hệ thống quy định, quy trình và hạ tầng công nghệ thông tin. 

Ông Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình & Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm đổi mới sáng tạo Hoà Bình chia sẻ định hướng hoạt động của Trung tâm tại Khu Công nghệ cao từ mô hình R&D đóng sáng C&D (Connect & Development) mở, chào đón sự tham gia của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ, công ty khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, trường đại học nghiên cứu tại trong và ngoài nước. Ông đặt nguyện vọng mong muốn hệ sinh thái trung tâm đổi mới sáng tạo Hoà Bình sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp chung tay phát triển đổi mới sáng tạo lớn mạnh, đóng góp cho nền công nghiệp Việt Nam nói chung và và nền tri thức Việt Nam nói riêng. 

Diễn đàn dần trở nên sôi nổi hơn khi phiên thảo luận chính về chủ đề đầu tư công nghệ cao trong sản xuất với sự góp mặt của các diễn giả: TS. Trần Viết Huân chủ tịch ICO Việt Nam & CTO Sơn Kim Group, bà Phạm Thị Ngọc Thủy Giám đốc điều hành Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tư nhân, ông Lê Trí Thông Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ & Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh, ông Bùi Tiến Dũng Trưởng phòng Cao cấp bộ phận Phát triển Công nghệ Tập đoàn Addidas & Đồng sáng lập Benkon. 

Có thể là hình ảnh về 12 người, mọi người đang đứng và trong nhà(Phiên thảo luận bàn tròn chủ đề “Đầu tư công nghệ trong sản xuất” )

Trong phần thảo luận bàn tròn, các Diễn giả đã chia sẻ về những ẩn số trong bài toán sản xuất thông minh với đa dạng biến số như con người, niềm tin, thị trường, thiết bị cảm biến theo dõi trong sản xuất, công nghệ, … Và các Chuyên gia đã đưa ra giải pháp từ nhiều góc độ. 

Ông Lê Trí Thông Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ & Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về giải pháp ứng dụng công nghệ vào ngành sản xuất của PNJ – vốn là sản xuất thủ công, chính là nâng cao chất lượng nguồn lao động từ cấp quản lý đến từng người thợ thủ công và giải quyết bài toán nhu cầu thị trường. Với ông, tài chính không phải là biến số khó giải quyết mà thị trường mới là bài toán khó nhằn nhất vì khi thịt trường đủ rộng, đạt được quy mô nhất định thì sẽ tự nhiên sẽ có tài chính. Đặc biệt, ông chia sẻ về mô hình liên minh các công ty là thật sự cần thiết để cùng hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi số. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy Giám đốc điều hành Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tư nhân nêu ra giải pháp điều hành doanh nghiệp thông mình cần giải quyết 2 vấn đề: nhân sự, tập trung phát triển bộ phận CIO. Đồng thời, bà nhấn mạnh vai trò của các hiệp Hội trong hành trình đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thông qua việc thông tin chính sách của nhà nước, quốc tế và tư vấn chiến lược. 

Theo góc nhìn của TS. Trần Viết Huân chủ tịch ICO Việt Nam & CTO Sơn Kim Group lại có một góc nhìn chi tiết và thú vị trong thực tiễn lĩnh vực sản xuất thông minh chính là các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ cảm biến để theo dõi vấn đề trong nhà máy sản xuất, chưa thực sự ứng dụng một nền tảng để truy xuất dữ liệu của nhà máy. Chi phí cho công nghệ cảm biến không quá mắc so với robot hay dây chuyền tự động được đầu tư lắp đặt trong nhà mấy nhưng nó là phần liên kết giữa nhà máy và người quản lý để truy xuất dữ liệu kịp thời.  

Ông Bùi Tiến Dũng Trưởng phòng Cao cấp bộ phận Phát triển Công nghệ Tập đoàn Addidas & Đồng sáng lập Benkon với góc nhìn từ một tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và góc nhìn của một Startup, ông cho rằng công nghệ không phải vấn đề của chuyển đổi số mà là của các ẩn số của niềm tin, sự thích ứng & tiên phong của Ban Lãnh đạo và ghi nhận ý tưởng đổi mới sáng tạo từ từng công nhân viên trong công ty. 

Có thể thấy, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng để ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số doanh nghiệp nói chung và sản xuất thông minh nói riêng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với công nghệ từ cấp quản trị đến công nhân viên. Dù là bất cứ lĩnh vực nào hay bất cứ giai đoạn nào, con người luôn là yếu tố quyết định của sự đột phá, đổi mới sáng tạo chứ không phải vật chất. Vậy doanh nghiệp của bạn đã bắt đầu hành trình chuyển mình trong tiến trình số hoá của nền công nghiệp sản xuất 4.0 này chưa? 

Cuối chương trình là Lễ ký kết MOU giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp. Buổi lễ ký kết được thực hiện thành công bởi PGS.TS Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ông Lê Trí Thông Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ & Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Lễ ký kết cũng khép lại chương trình vô cùng thành công và mong rằng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tiến những bước phát triển đột phá hơn nữa. 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và trong nhà
(Lễ ký kết MOU giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh)