featured image

Việt Nam chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công COVID-19

Chính phủ Việt Nam công bố thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19

Sáng 27/5, Chính phủ Việt Nam công bố thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân. Quỹ do Bộ Tài chính quản lý, có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC). Đây là động thái rõ ràng của Chính phủ Việt Nam kiên định với chiến lược mục tiêu kép: khống chế dịch COVID-19 đồng thời giữ vững tăng trưởng kinh tế dương.

Doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng “tiếp lửa” hỗ trợ Chính phủ chống COVID-19

Thực hiện lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng thương mại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “tiếp lửa” cho Quỹ VFVC. Vingroup tài trợ 4 triệu liều vaccine COVID-19. Sau khi ủng hộ 25 tỷ đồng cho quỹ mua vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế, Vietcombank tiếp tục tiên phong hỗ trợ 38 tỷ đồng cho 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi tỉnh 5 tỷ đồng; các tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn mỗi tỉnh, thành 3 tỷ đồng kinh phí mua vaccine. Ngoài ra còn có Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vaccine, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ VNĐ, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hỗ trợ 10 tỷ VNĐ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) hỗ trợ 10 tỷ VNĐ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ VNĐ, BIDV, Viettinbank, Agribank, mỗi ngân hàng hỗ trợ 25 tỷ VNĐ…

Vingroup tài trợ 4 triệu liều vaccine COVID-19.
Vietcombank tài trợ 25 tỷ VNĐ mua vaccine COVID-19.
SHB tài trợ 15 tỷ VNĐ mua vaccine COVID-19.
PetroVietnam tài trợ 30 tỷ VNĐ mua vaccine COVID-19.
MB Bank tài trợ 30 tỷ VNĐ mua vaccine COVID-19.

Việt Nam nỗ lực tối đa tiến tới tiêm phòng vaccine toàn dân

Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Cho đến nay đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Có đủ nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. “Để đảm bảo 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực tối đa” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bên cạnh nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất vaccine nội địa. Nanocovax là vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng, do Công ty Nanogen sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein. Dự kiến đầu tháng 6, Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine này với khoảng 13.000 tình nguyện viên. Sau khi thử nghiệm vaccine nội giai đoạn cuối thành công, việc phê duyệt sử dụng vaccine cho toàn dân sẽ được tiến hành. Đồng thời, hệ thống sản xuất, vật tư thiết bị đang được khẩn trương đầu tư nhằm cung ứng đủ số lượng vaccine nội, bổ sung với số lượng vaccine nhập khẩu. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vaccine Nanocovax có tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ đối với biến chủng virus tìm thấy ở Vũ Hán và biến chủng tìm thấy ở Nam Phi. Với biến chủng tìm thấy ở Ấn Độ, các cơ quan đang phối hợp để nghiên cứu hiệu quả của vaccine với biến chủng này.

Một lô hàng COVAX

Về giá thành của vaccine Nanocovax, sẽ rơi vào khoảng 120.000 đồng/1 liều. Với 2 liều tiêm vaccine cần thiết đủ để tạo miễn dịch, mỗi người dân sẽ mất chi phí là 240.000 đồng. Hiện, tại Mỹ, giá vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bao gồm 2 liều được Pfizer công bố có giá là 19,5 USD/liều, Moderna là 25-37 USD/liều và Sputnik V của Nga không quá 1.942 ruble (26,2 USD).

 

Tổng hợp thông tin từ báo Dân Tộc, báo Tuổi Trẻ, báo Tin Tức, Nhịp sống Kinh tế