featured image

Vẫn “loay hoay” với khát vọng hóa Rồng

(VEF.VN) – Hơn 20 năm sau Đổi mới, dường như Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm mô hình kinh tế hiệu quả nhất để hiện thực hóa ước mơ hóa Rồng. 30 nhà kinh tế với nhiều thế hệ và quan điểm đã tập hợp trong một “bữa tiệc sách” cùng thảo luận về vấn đề này.

Từ “đánh thức Rồng” tới “hóa Rồng”

Có lẽ khát vọng nền kinh tế Việt Nam phát triển giống như những nước láng giềng từng được ví như những con rồng của châu Á vẫn còn ở đâu đó trong tâm trí của những ai quan tâm, đặc biệt là chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí và nhóm cộng tác với ông. Hơn mười năm trước, khát vọng đó được khơi gợi bằng niềm tin lạc quan trong quyển sách “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên – Kinh tế Việt Nam đi vào Thế Kỷ 21”.

Đây là một ấn bản gây tiếng vang bởi không hẳn đây là lần đầu tiên chính người Việt Nam xem nền kinh tế của mình như là một con rồng, để rồi đánh thức nó, mà bởi vì đây quyển sách đầu tiên có sự đóng góp của nhiều nhà kinh tế Việt hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.

Phạm Đỗ Chí khi đó là chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Mỹ và Trần Nam Bình là giáo sư kinh tế ở đại học New South Wales ở Úc, là hai chủ biên, đã thành công trong việc kết nối những quan điểm khác nhau nhưng “không trái với lợi ích của dân tộc” trong một quyển sách.

Lúc bấy giờ, quyển sách cũng là một đóng góp hiếm hoi về đường hướng phát triển cho Việt Nam của chính người Việt khi mà phần lớn những lời tư vấn đều đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế Giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Sau đó, ông cũng tiếp tục thành công trong vai trò chủ biên những quyển sách đi vào phân tích chuyên sâu hơn những vấn đề về hội nhập kinh tế và nông thôn của Việt Nam.

Mười năm sau khi cuốn sách đầu tiên ra đời, “khát vọng con rồng” vẫn còn đó. Phạm Đỗ Chí – giờ đây là chuyên gia kinh tế tài chính làm việc ở Việt Nam, đã trăn trở hơn trong một quyển sách vừa mới xuất bản “Khi Con Rồng Muốn Thức Dậy – Loay hoay với Mô hình Kinh tế Sau Đổi mới”.

Ngay ở tựa đề, ở quyển sách thứ nhất, nhóm tác giả cho thấy khả năng chủ động của giới hữu trách cũng như các nhà kinh tế ngoài Chính phủ trong việc đánh thức các tiềm năng kinh tế của Việt Nam, trong khi đó ở quyển sách lần này tính chủ động này không còn nữa và đó có lẽ đây là một thông điệp quan trọng về sự thay đổi cần thiết trong điều hành vĩ mô trong vòng một thập niên qua mà quyển sách muốn chia sẻ.

Trong mười năm qua, chính sách điều hành kinh tế vẫn loay hoay với ba vấn đề chính. Thứ nhất là ổn định vĩ mô trong ngắn hạn; thứ hai là đường hướng phát triển trong trung và dài hạn; và cuối cùng là vấn đề của chất lượng của tăng trưởng kinh tế. Nội dung quyển sách lần này được cơ cấu theo ba nhóm nội dung như trên.

Theo đó, quyển sách có mười bài bàn về những vẫn đề mà Việt Nam đang đối mặt trong ngắn hạn. Đó là giảm lạm phát cao, điều hành lãi suất và quản lý tỷ giá cho hợp lý cùng với thâm hụt ngày càng càng trầm trong ngân sách chính phủ và cán cân thương mại.

Hào quang kinh tế tăng trưởng

Ngay bài đầu tiên trong phần này của quyển sách (và tiếp tục lặp lại ở một vài bài sau đó) nhóm tác giả đã cung cấp một bài học giáo khoa căn bản về nguyên nhân mất cân đối trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đó là sự mất cân đối giữa chi tiêu và thu nhập của nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ đã thường xuyên tiêu xài nhiều hơn nguồn thu, dân chúng tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nhiều hơn là người nước ngoài tiêu dùng hàng hóa của mình và rồi chúng ta còn đầu tư nhiều hơn là tiềm lực tiết kiệm của chính chúng ta. Làm sao Việt Nam có thể sống như thế trong một thời gian dài? Điều đó chỉ có thể tiếp tục khi mà Chính phủ còn đi vay được, khi mà dòng vốn nước ngoài còn niềm tin để chảy vào nền kinh tế Việt Nam để rồi lấy tiền ngoại quốc đó đi nhập khẩu

Tất cả những điều trên thật ra không có gì là trở ngại cho tăng trưởng trong ngắn hạn, mà thậm chí nó còn tạo ra ánh hào quang của một nền kinh tế tăng trưởng cao. Tuy nhiên, chỉ cần đặt ra vài câu hỏi đơn giản và cũng với câu trả lời đơn giản tương tự thì sự hào nhoáng đó sẽ vụt tắt: Chính phủ tiêu xài vào việc gì và liệu hiệu quả (trực tiếp/gián tiếp) trong việc tạo ra tăng trưởng như thế nào và có tạo ra nguồn thu trong tương lai (nhất là ngoại tệ) để trả những khoản nợ vay ngày hôm nay không?

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mang vào 1 USD để đầu tư tại đất nước ta thì chắc hẳn trong tương lai họ sẽ chuyển về nước nhiều hơn 1 USD đó, liệu chúng ta có sẵn sàng (khả năng chịu đựng của cán cân thanh toán)? Quan trọng nhất là nếu một ngày nào đó niềm tin của họ không còn thì tự chúng ta phải xoay sở ra sao? Và điều không mong muốn đó đã xảy ra.

Tình hình kinh tế thế giới đã bất lợi cho Việt Nam trong hai năm vừa rồi và đã châm ngòi cho những bất ổn vĩ mô của Việt Nam phải lộ rõ. Thắt chặt hay nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ ở phía cầu trong những năm vừa rồi như là trò chơi cút bắt giữa khát vọng tăng trưởng và ổn định vĩ mô, giữa những căn bệnh từ chính bên trong của nền kinh tế và những đối phó bất lợi từ bên ngoài do khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đình trệ. Tất cả những điều đó đã làm cho nền kinh tế phải đánh đổi đắt giá giữa ngày hôm nay và tương lai bởi những lợi ích của trước mắt và lợi ích lâu dài.

Đối với những vấn đề trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam gần như xoay vần với những lựa chọn chiến lược thiếu nhất quán, nên chăng cổ vũ cho khu vực tư nhân (như thời kỳ trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO) hay là cổ xúy cho việc xây dựng các tập đoàn lớn với mong ước cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoại quốc nhờ lợi thế theo qui mô sau khi gia nhập WTO?

Ý tưởng này đã được bàn đến phần nào trong phần kế tiếp của quyển sách, mang tên “Tư duy mới và tái cấu trúc kinh tế”. Nếu không có thời giờ, những nhà làm chính sách Việt Nam có lẽ sẽ đọc phần này trước tiên bởi vì đây là một nhu cầu có thật và nó cũng là phần nội dung mà độc giả mong đợi.

Trong phần này, các bài viết đã tập trung đánh giá các vấn đề về đầu tư (chủ yếu là đồng tư công) và vấn đề lựa chọn ngành công nghiệp (ngành gì và khu vực nào là hợp lý) và các vấn đề về thể chế kinh tế. Theo đó, cơ cấu kinh tế nên hướng đến đầu tư có chọn lọc, kể cả đầu tư nước ngoài, và tăng hiệu quả của đầu tư công, khuyến khích khu vực tư nhân và hướng đến thị trường nội địa nhiều hơn nữa.

 

Độc giả có thể khó khăn trong việc tìm ra đâu là tư duy cũ hiện thời và đâu là tư duy mới trong phần này. Tư duy phân tích trong quyển sách đầu tiên là cũ chăng? Hay là tư duy sách lược mà Việt Nam đang hướng tới là cũ? Thật ra, trong quyển sách đầu tiên trước kia đã bàn đến các vấn đề về chất lượng tăng trưởng, chính sách tài khóa và vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, và thậm chí còn đầy đủ hơn kể cả vấn đề con người và môi trường.

Những vấn đề về cải cách thể chế và chất lượng quản trị quốc gia đọc giả vẫn có thể bắt gặp đâu đó trong các báo cáo phát triển hàng năm của Ủy ban Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) hoặc những báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Có lẽ các tác giả hàm ý rằng những vấn đề hiện nay không mới và cũng không cần phải sáng tạo ra những lý thuyết hay mô hình mới, điều cốt lõi là cần điều hành bởi một cái đầu mới – tư duy mới?

Cải tổ dài hạn, tăng trưởng bền vững

Phần cuối cùng của quyển sách bàn đến các vấn đề liệu tăng trưởng có chất lượng hay không khi nghĩ về sự phân bổ thu nhập giữa thành phần trong xã hội (nông thôn/thành thị; thu nhập cao/thấp) và chất lượng sống như thế nào (về giáo dục, y tế và hệ thống an sinh …).  Phần này đã đưa ra những gợi ý nguyên tắc để cải tổ những vấn đề mang tính dài hạn nhằm giúp ước mơ tăng trưởng bền vững của đất nước thành hiện thực.

Quyển sách lần này đã phản ảnh đúng những gì mà nền kinh tế đang gặp phải và do vậy một phần lớn nội dung các tác giả đã bàn đến các vấn đề tối quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt. Người đọc sẽ bắt gặp những gợi ý quan trọng mang tính tổng quát, chẳng hạn như chính sách tiền tệ nên thận trọng và chính sách tài khóa cần hướng đến đầu tư có hiệu quả, đây cũng là thông điệp của quyển sách “Đánh Thức Con Rồng” mười năm trước nêu ra.

Những trục trặc cơ bản vẫn của Việt Nam vẫn còn đó, chỉ có điều nó có được giải quyết hay không hoặc được xem là quan trọng đến mức độ nào là tùy vào quan điểm của những nhà chức trách điều hành vĩ mô trong từng thời điểm cụ thể. Ước gì, quyển sách có thể phân tích sâu xa hơn lý do đằng sau của sự trì hoãn và thiếu nhất quán trong các giải pháp vĩ mô trong thời gian vừa rồi. Điều này sẽ giúp đọc giả có thể hiểu được vấn đề khó khăn (hay dùng chữ của sách là loay hoay) của kinh tế Việt Nam hiện nay là do thiếu vắng những chính sách đúng đắn hay là vấn đề của điều hành và thực hiện.

Quyển sách đưa ra những gợi ý chính sách mà chúng hầu hết có một sự đồng thuận trong cộng đồng của những người nghiên cứu về kinh tế Việt Nam (thắt chặt tiền tệ để kìm chế lạm phát, hiệu quả của đầu tư, cải cách doanh nghiệp nhà nước …). Do vậy, các đề nghị chính sách đôi khi được dẫn dắt bởi những hiểu biết mang tính kinh nghiệm hơn là những vấn đề được nghiên cứu mang tính học thuật một cách nghiêm khắc.

Nhiều nhận định và đề nghị trong sách cần phải dựa vào một nghiên cứu căn bản tin cậy hoặc dựa trên một dòng lý thuyết xuyên suốt. Nội dung quyển sách có phần nào thỏa hiệp giữa mục tiêu “ngắn gọn và nhấn mạnh đến góc cạnh hàm ý chính sách và áp dụng thực tiễn”, như phần Dẫn nhập đã đề cập, với những phân tích có bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm.

Một lần nữa, quyển sách đã thành công trong việc kết hợp và pha trộn ý tưởng giữa những nhà kinh tế khác nhau về quan điểm lẫn thế hệ. Do vậy, toàn bộ quyển sách đã cung cấp cho độc giả một thực đơn đa dạng cho nhiều khẩu vị khác nhau. Rõ ràng, đây là một quyển sách không thể thiếu trong chuỗi những quyển sách mà Phạm Đỗ Chí với vai trò là người chủ biên công bố. Đặc biệt, với vai trò này ông đã không mệt mỏi kết nối giữa các thế hệ trong cộng đồng những nhà kinh tế Việt, nhất là thế hệ trẻ, nhằm cho một khác vọng duy nhất đó là đời sống kinh tế của tất cả người dân Việt Nam phồn vinh hơn, một xã hội công bằng hơn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu quyển sách “Khi Con Rồng Muốn Thức Dạy” lần này ví như một buổi tiệc, thì chủ nhà Phạm Đỗ Chí đã thành công, bạn bè đã đến rất đông (31 tác giả) và còn đóng góp những món ăn đã nấu. Tiếc rằng, nhiều người bạn cũ của buổi tiệc đầu tiên “Đánh thức Con rồng” không có mặt.

Khi Con Rồng Muốn Thức Dậy – Loay Hoay với Mô Hình Kinh Tế Sau Đổi Mới – Phạm Đỗ Chí (chủ biên), NXB Lao Động-Xã Hội và Alphabooks, 442 trang, giá 149.000 đồng.

NGUYỄN HOÀI BẢO (ĐẠI HỌC KINH TẾ)