featured image

Tỷ phú Czech lời lớn nhờ đặt cược vào những ngành người khác né

Tháng 5, tỷ phú người Czech Daniel Kretinsky tuyên bố đầu tư vào hai chuỗi bán lẻ tại Mỹ đang gặp khó vì dịch Covid-19.Kretinsky nổi lên là một nhà đầu tư đối lập khi ông có sở thích rót vốn vào những ngành mà người khác né tránh.Theo ông Kretinsky, đầu tư theo đám đông và xu hướng luôn luôn là một sai lầm. 

Trên khắp nước Mỹ, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh, số lượng các vụ phá sản tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao chưa từng thấy. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngồi lỳ trên chiếc ghế sofa, xem Netflix hay tán gẫu qua Zoom, các nhà bán lẻ trở thành đối tượng bị thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 tàn phá các trung tâm thương mại và đường phố tấp nập tại Mỹ, một tỷ phú đến từ Prague, Cộng hòa Czech, lại nhìn ra được cơ hội đầu tư trong đống đổ nát ấy.

Ngày 11/5, Vesa Equity Investment, một công ty cổ phần tư nhân do ông Daniel Kretinsky điều hành, tuyên bố sẽ mua lại 5% cổ phần tại Macy’s, chuỗi bán lẻ đang gặp khó với giá cổ phiếu giảm hơn 50% kể từ đầu năm nay. Ngày 18/5, Vasa tiếp tục mua 6% cổ phần của Foot Locker khi giá cổ phiếu của hãng bán giày này giảm 25%.

Động thái này của Kretinsky khiến một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi: “Đây là gã nào vậy?”. Daniel Kretinsky, 44 tuổi, thực ra là một tỷ phú và là nhà đầu tư ít được biết đến nếu không phải trong giới tài chính.

Tỷ phú người Czech Daniel Kretinsky. Ảnh: Bloomberg.

Khởi nghiệp đầu tư vào thứ nhiên liệu bị châu Âu ruồng bỏ

Kretinsky bắt đầu sự nghiệp vào năm 1999 với tư cách là luật sự tại ngân hàng tư nhân J&T ở Czech với mức lương khoảng 900 USD/tháng. 10 năm sau, ông thành lập công ty riêng, EPH, với sự hỗ trợ của các đối tác từ J&T và tỷ phú cùng quốc tịch Petr Kellner. EPH tập trung đầu tư vào ngành năng lượng khi đó đang bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vùi dập.

Khi Liên minh châu Âu tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, Kretinsky cược rằng các quốc gia sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch đó. Vì vậy, ông mua lại các đường ống khí đốt tự nhiên và nhà máy nhiệt điện (sử dụng than). Điều thành công của ông là đến nay, những nhà máy này vẫn đang hoạt động.

Sau này, EPH chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, logistics và bất động sản. Danh mục đầu tư của EPH hiện gồm 70 công ty và hầu hết đều ở châu Âu, với tổng tài sản trị giá 13,3 tỷ euro (14,6 tỷ USD).

Đầu tư vào ngành bán lẻ đang chật vật tại Mỹ, Pháp, Đức

Đến năm 2017, Kretinsky quyết định đầu tư tài sản cá nhân vào lĩnh vực khác ngoài năng lượng. Ông cùng với Patrik Tkac, Chủ tịch của J&T Banka, để thành lập Vesa, trong đó ông nắm giữ 53% cổ phần. Và với các thương vụ mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ đang gặp khó vì dịch Covid-19, như Macy’s hay Foot Locker, Kretinsky lại một lần nữa đi ngược với đám đông.

Sau khi J.C. Penney và Neiman Marcus tuyên bố phá sản vào tháng 5, giới phân tích cho rằng số phận của các chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ bị đe dọa bởi Amazon vì lượng người tới mua sắm sụt giảm.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 khiến Macy’s phải đóng cửa 775 cửa hàng hồi giữa tháng 3, nhà bán lẻ này cũng phải chật vật để có lợi nhuận khi lên kế hoạch đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Ngày 21/5, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ nói với nhà đầu tư rằng doanh thu hoạt động quý I có thể giảm 1,1 tỷ USD.

Foot Locker cũng rơi vào tình trạng tương tự và theo báo cáo tài chính ra ngày 22/5, chuỗi cửa hàng này báo lỗ 98 triệu USD trong ba tháng đầu năm nay, trái ngược với thu nhập ròng 172 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Cả hai chuỗi bán lẻ này hiện đã bắt đầu mở cửa trở lại và giới đầu tư đang theo dõi xem các doanh nghiệp này sẽ phục hồi như thế nào khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng và người tiêu dùng vẫn sống trong lo lắng.

‘Đi theo đám đông và xu hướng luôn là sai lầm’

Trong vài năm gần đây, Kretinsky nổi lên là một nhà đầu tư đối lập khi ông có sở thích rót vốn vào những ngành mà người khác né tránh. Trong danh mục của mình, ông đầu tư từ nhà máy nhiệt điện, siêu thị cho tới những công ty truyền thông, thậm chí cả công ty dịch vụ chuyển phát và bưu chính Royal Mail đã được cổ phần hóa tại Anh.

Chiến lược này đã được đền đáp khi 3 tuần qua, tài sản ròng của Kretinsky tăng 100 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

“Chúng tôi muốn kiếm tiền từ những ngành công nghiệp đang chết dần vì cho rằng chúng sẽ chết chậm hơn nhiều so với dự báo chung. Đi theo đám đông và xu hướng luôn luôn là một sai lầm”, ông Kretinsky phát biểu tại Prague vào năm 2015.

Mặc dù Mỹ hay Pháp, Đức đều đang dần mở cửa kinh tế trở lại, những người biết Kretinsky từ lâu vẫn bị bất ngờ trước các quyết định đầu tư gần đây của ông.

“Tôi rất bất ngờ nhưng tôi chắc là ông ấy nhằm vào điều gì đó hơn thế, chứ không phải làm chỉ vì muốn mở rộng danh mục đầu tư. Đó có thể là một vụ cá cược vào sự phát triển trong tương lai, giống như khi ông ấy mua những tài sản bị mọi người bỏ qua ở Đức nhưng sau đó lại trở thành một thương vụ đầu tư tuyệt vời”, Michal Snobr, một nhà đầu tư tại Czech từng hợp tác với Kretinsky tại J&T, cho hay.

Kretinsky được đánh giá là một nhà tư bản lạnh lùng khi không sợ đối đầu với HĐQT của những công ty mà ông đang đầu tư cũng như đầu tư vào những tài sản không theo xu hướng. Tuy nhiên, ông cũng tự nhận mình là một người quan tâm đến giá trị tự do và tiếng nói độc lập khi đầu tư vào lĩnh vực báo chí tại Czech và công ty truyền thông tại Pháp. Ví dụ, ông đang nắm giữ cổ phần thiểu số tại nhật bán danh tiếng Le Monde.

Ông hiếm khi nói chuyện trước công chúng và chỉ thực hiện một vài cuộc phỏng vấn khi muốn giải thích về cách đầu tư của mình. Vì vậy, một tạp chí của Ba Lan gọi ông là “Tượng nhân sư của Czech”.

Mặc dù chiến lược đầu tư vào giá trị đã mang lại cho Kretinsky khối tài sản 1,8 tỷ USD, ông cũng có những thất bại. Là người có cổ phần tại Le Monde nhưng Kretinsky không được lòng các nhà báo tại đây vì họ phản đối việc ông kiếm tiền từ nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2019, HĐQT nhà bán lẻ Metro AG của Đức cũng từng từ chối lời đề nghị mua lại từ ông với mức giá 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì công khai chỉ trích HĐQT của Metro như cách nhiều cổ đông khác có thể sẽ làm, Kretinsky dùng thời gian để đạt được mục đích. Ông nâng dần cổ phần của mình tại Metro lên 29,9% và yêu cầu được tham gia vào HĐQT với lời hứa sẽ đóng góp các ý tưởng để cải thiện khả năng sinh lời.

Bên cạnh Metro, Kretinsky cũng là cổ đông lớn thứ 2 của chuỗi siêu thị Casino Guichard-Perrachon tại Pháp với số cổ phần là 7%.

Danh mục đầu tư của tỷ phú Kretinsky. Ảnh: Bloomberg.

Các đối thủ không nên đánh giá thấp tham vọng của Kretinsky, theo ông Josef Kotrba, giám đốc văn phòng ở Prague của tập đoàn kiểm toán Deloitte. “Ông ấy là một người ăn nói nhỏ nhẹ, thanh lịch và thân thiện, không giống như nhiều người đồng nghiệp của ông. Nhưng ông ấy thực sự là một con cá mập”.

Dù thế nào, Kretinsky hiện cũng là một trong 5 cổ đông lớn của 2 trong số thương hiệu nổi tiếng nhất ngành bán lẻ tại Mỹ, Macy’s và Foot Locker. Sau đợt giảm hồi đầu tháng 3, cổ phiếu của 2 hãng bán lẻ này đều đã ổn định trở lại trong tháng trước. Và vị tỷ phú người Czech này đánh cược điều tồi tệ nhất đã qua đi.

Theo Bloomberg