featured image

Tương lai của nông nghiệp Việt Nam là IoT và drone AI

Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái (drone)… được nhìn nhận là xu hướng mới khi xây dựng, phát triển nông nghiệp thông minh.

Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Tuy được điều kiện tự nhiên ưu đãi nhưng nền nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào phương thức canh tác truyền thống. Điều này khiến giá trị nông sản thấp, hiệu quả canh tác chưa cao và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.

Những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của các dịch bệnh kéo dài hay nhu cầu toàn cầu liên tục thay đổi cũng đặt ra nhiều bài toán với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong đó, việc ứng dụng các nền tảng, sản phẩm công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và máy bay không người lái (drone) để phát triển nông nghiệp thông minh được nhìn nhận sẽ là một xu hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Ông Huỳnh Phi Long – nhà sáng lập của Lotoda, một startup ứng dụng IoT vào nông nghiệp, top 10 thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) năm 2022, nhận định, khi chủ động xây dựng nền tảng IoT, doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn khi triển khai các dự án cũng như tăng khả năng chủ động về lựa chọn giải pháp công nghệ tích hợp vào sản xuất. IoT đang ngày càng phổ biến.

Các thiết bị ứng dụng IoT hỗ trợ tích cực người nông dân trong việc theo dõi, kiểm soát sản phẩm cũng như tình hình canh tác theo thời gian thực, thu nhập các thông tin, số liệu và dự đoán trước các vấn đề như dịch bệnh … để đưa ra quyết định kịp thời.

Một xu hướng đáng chú ý khác là việc đưa máy bay không người lái (drone) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp. Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng, việc ứng dụng drone AI vào nông nghiệp không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam, bởi tất cả những quốc gia muốn chuyển sang nền nông nghiệp thông minh đều cần đến những giải pháp mới, đột phá tương tự.

Trước đây, ở nền nông nghiệp truyền thống, người nông dân chủ yếu vẫn trực tiếp đi bắt sâu trên từng cây trồng. Sau đó, để nhanh và triệt để hơn, họ chọn phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng. Điều này làm cho nông sản Việt Nam tồn dư một lượng thuốc trừ sâu rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và làm cho giá trị nông sản bị đánh giá thấp.

Với drone, thiết bị này bay trên các cánh đồng lớn để chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích. Ứng dụng AI sẽ tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh, sau đó chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị ảnh hưởng, vừa có thể tiết kiệm lượng thuốc, tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe của nông dân.

Ông Phạm Thanh Toàn – nhà sáng lập của MiSmart, một startup chuyên nghiên cứu và phát triển drone AI ứng dụng trong nông nghiệp tự tin rằng, các thiết bị này có thể giúp tăng năng suất làm việc khoảng 25 lần so với cách làm truyền thống.

Trong điều kiện thông thường một người nông dân phun thủ công chỉ được khoảng 2-3 hecta mỗi ngày, nhưng khi sử dụng drone, con số này lên đến 50 hecta. Người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu nên không độc hại.

MiSmart của ông Phạm Thành Toàn và các cộng sự cũng chính là startup đã giành quán quân tại chung kết cuộc thi QVIC 2022 của Qualcomm gần đây. Theo ông Toàn, thành công lớn nhất đối với nhóm khi tham gia cuộc thi không chỉ là chức vô địch mà là có cơ hội được tiếp cận và hỗ trợ ứng dụng các công nghệ của Qualcomm.

Với bước ngoặt khi dùng chip Snapdragon 625 và 845 để xây hệ thống mới cho AI của drone hay tích hợp nền tảng VOXL Flight Deck của Qualcomm cho thiết bị tay cầm điều khiển khi tham gia “vườn ươm” QVIC, startup này đã cho ra được phiên bản drone chất lượng cao hơn, ổn định hơn. “Đây cũng chính là những sản phẩm drone “Made in Vietnam” sẵn sàng cho một nền nông nghiệp hiện đại và an toàn”, nhà sáng lập nói.