featured image

Thắp sáng tinh thần khởi nghiệp

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030”.

Theo đề án, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến của khởi nghiệp và sáng tạo của khu vực Asean; một trong những trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo, phát triển bền vững của cả nước, có hệ sinh thái khởi nghiệp  đổi mới sáng tạo với hệ thống pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và tái khởi nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới.

Cần xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Trước mắt, đến năm 2020 TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức triển khai đầy đủ các chính sách  Chính phủ ban hành, về hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp của thành phố. Bên cạnh, địa phương sẽ hỗ trợ khoảng 200 dự án, 100 DN khởi nghiệp trên địa bàn thương mại hóa được sản phẩm.

Trong đó, ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư. Đà Nẵng cũng sẽ thành lập 8 – 10 vườn ươm DN bao gồm các vườn ươm tại trường đại học, vườn ươm tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công tư; 100% các trường đại học, cao đẳng có chương trình giảng dạy về khởi nghiệp. Đồng thời, thành lập và hoạt động hiệu quả Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp TP. Đà Nẵng, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại Đà Nẵng.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, phát triển cộng đồng khởi nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Thực tế, hiện hoạt động khởi nghiệp ở TP. Đà Nẵng khá sôi động.

Ngày càng nhiều ý tưởng kinh doanh, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ cộng đồng DN, các trường đại học có sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố. TP. Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, Vườn ươm DN thành phố (DNES); kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước như đại sứ quán Israel, Australia, Mỹ, Đức… nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi, số lượng DNNVV chiếm hơn 98%, điều này tác động không nhỏ trong việc hình thành và phát triển quy mô, chất lượng các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên, tại Đà Nẵng nhìn chung vẫn còn thiếu kết nối với thực tiễn, khó thương mại hóa.

Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp dù bắt đầu xuất hiện nhưng chưa nhiều, nhất là không gian làm việc chung, không gian sáng chế, các tổ chức hỗ trợ tư vấn về pháp lý, tài chính, marketing…

Do vậy, để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, TS. Võ Duy Khương – Chủ tịch Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho rằng, để đạt được những kỳ vọng đã đặt ra cần phải có quyết tâm vào cuộc rất cao từ tất cả hệ thống chính trị.

Trong đó, thanh niên học sinh thành phố nâng cao nhận thức, kiến thức, niềm đam mê và tạo nguồn ý tưởng; Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, chính quyền phải là bà đỡ cho hoạt động khởi nghiệp, tất cả các cơ chế chính sách phải tính đến đặc thù của khởi nghiệp; Phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp, có không gian làm việc, có chỗ cho các DN khởi nghiệp làm việc; Hỗ trợ đào tạo và tư vấn; Mở rộng liên kết và hợp tác hoạt động khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Trước mắt, cần tận dụng tốt cơ hội APEC 2017 nhằm tổ chức hoạt động quảng bá khởi nghiệp không những tạo cho người dân Đà Nẵng nhận thức mới, những luồng khí mới về thành phố khởi nghiệp mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư, các dự án, các ý tưởng đến với TP. Đà Nẵng.