featured image

Tập đoàn Alibaba rót tiền đầu tư vào The CrownX – công ty con của Masan Group

Cái “bắt tay” của Alibaba và Masan Group

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Thông qua Giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Định giá của CrownX sau phát hành là 7,3 tỷ USD, thậm chí còn còn cao hơn giá trị vốn hóa của Masan Group (5,3 tỷ USD) và có thể lọt vào top 10 vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nếu The CrownX niêm yết.

Được ra mắt vào năm 2020, The CrownX hợp nhất hai doanh nghiệp đầu ngành nhằm thiết lập nền tảng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Trong khuôn khổ của Giao dịch, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (“O2O”) tại Việt Nam. Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group chia sẻ: “Thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác này sẽ giúp Công ty hiện thực hóa Point of Life nhanh chóng và hiệu quả hơn”.

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành tại BPEA phát biểu: “Tôi tin rằng thỏa thuận đầu tư chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy The CrownX phát triển vượt bậc và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vẫn còn non trẻ. Là nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các xu hướng kinh tế vĩ mô thuận lợi và đặc biệt là lợi thế dân số trẻ.

The CrownX là một doanh nghiệp giàu tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là thương mại điện tử và phân tích dữ liệu. Thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những ưu tiên của BPEA khi đầu tư vào các công ty. Chúng tôi rất hào hứng được đồng hành cùng The CrownX trong giai đoạn tăng trưởng sắp tới của Công ty.”

Trong khuôn khổ Giao dịch, VinCommerce sẽ thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Lazada – nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó:

– VCM sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

– Hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử.

– Phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của VCM.

– Phát huy sức mạnh hiệp lực từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Được biết thời còn thuộc sở hữu của Vingroup, các mặt hàng nhu yếu phẩm tại chuỗi VinMart hay VinMart+ từng được đưa lên kênh TMĐT là Adayroi. Tuy nhiên, sau này Adayroi đóng cửa, VinMart và VinMart+ về tay Masan. Dù ông lớn ngành hàng tiêu dùng tỏ ra quyết liệt trong chiến lược đưa hàng thiết yếu lên online nhưng Masan lại không chọn hướng đi giống Vingroup là tự xây kênh TMĐT của riêng mình.

Thay vào đó, với việc The CrownX bắt tay hợp tác với Alibaba, thông qua Lazada (sàn TMĐT tại Đông Nam Á của tập đoàn này), Masan có thể tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng nền tảng, tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng có sẵn trên Lazada để đẩy mạnh bán lẻ online, từ đó phát huy thế mạnh của mô hình tích hợp xu hướng Online-Offline (O2O) tại Việt Nam.

Thực tế trên thế giới, mô hình bán lẻ tích hợp online và offline không còn quá mới mẻ và được đẩy mạnh trong những năm gần đây bởi những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Amazon (Mỹ) hay Alibaba (Trung Quốc). 

Nếu Walmart đi từ nhà bán lẻ offline lên online thông qua việc mở Walmart Market Place hay mua cổ phần chi phối tại nền tảng TMĐT Flipkart của Ấn Độ; thì ngược lại, Alibaba và Amazon từ những nền tảng online đã tích cực gia tăng sự hiện diện bằng cách tự mình mở cửa hàng offline hoặc đầu tư vào các hệ thống siêu thị có sẵn. Dù hai hướng chuyển động khá trái ngược nhưng mục đích cuối cùng vẫn là gia tăng kênh bán hàng, tăng khả năng tiếp cận tới người tiêu dùng.

Riêng ở thị trường Việt Nam, hiện tại, nhu yếu phẩm chiếm 50% quy mô thị trường bán lẻ, 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt và là mặt hàng mà người dân có nhu cầu sử dụng hàng ngày. Vì vậy, có thể nói, dư địa phát triển của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm online là rất lớn.

Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của Công ty trong thời gian tới.

Masan và các thương vụ tỷ đô 

Trước khi nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia “để mắt” đến Masan, đã có SK Grup, GIC và Mitsubishi Materials nhanh chân đến trước.

Được mệnh danh là bậc thầy về M&A cũng như tài chính ở Việt Nam, Masan không bao giờ tự đi một mình mà luôn tìm nhà đồng hành xịn xò. Nhìn vào cơ cấu hiệu tại của Masan, hầu hết mảng miếng của họ đều có nhà đầu tư chiến lược lớn, chỉ mỗi em út Masan MEATLife là chưa – nhưng theo đồn đoán gần đây, thì nó cũng sẽ sớm có.

SK Group – Hàn Quốc

Nhà đầu tư lớn và sớm nhất của Masan có thể kể đến SK Group. Cho đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc này đã có 2 lần đầu tư lớn vào Masan và VinCommerce.

Năm 2018, SK Group đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 109.899.932 cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group. Theo đó, hai bên sẽ cùng tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và tận dụng nguồn lực của hai bên cùng hỗ trợ nhau phát triển hoạt động kinh doanh.

SK Group là một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics và dịch vụ.

Niềm tin của SK Group vào Masan ngày càng được củng cố theo thời gian. Vào tháng 4/2021, họ rót thêm 410 triệu USD nữa vào VinCommerce, khi mua lại 16,5% cổ phần của Masan tại đây.

Ông Woncheol Park – Giám đốc đại diện của SK tại Đông Nam Á đã chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Một lần nữa, đây là giao dịch mang tính bước ngoặt đối với SK, tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Masan Group và Việt Nam”.

GIC – Singapore

Tiếp theo, trong năm 2018 và năm 2020, GIC – với 2 tổ chức liên quan là Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore cũng đã từng bỏ ra khoảng 200 triệu USD để mua cổ phiếu của Masan (MSN).

Tháng 5/2020, Ardolis Investment Pte Ltd thỏa thuận mua gần 39 triệu cổ phiếu MSN với số tiền đã chi ra ước tính là 2.300 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trước đó vào năm 2018, GIC cũng từng chi số tiền tương đương để mua vào 24,5 triệu cổ phiếu MSN.

Đến tháng 2/2021, Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore đã bán lần lượt hơn 19,4 triệu và 340.800 cổ phiếu MSN trong phiên 15/1. Qua đó, GIC giảm tổng sở hữu tại Masan xuống còn hơn 126,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,74%. Chiếu theo mức giá giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MSN của nhà đầu tư nước ngoài phiên 15/1, ước tính GIC đã thu về khoảng 1.700 tỷ đồng từ việc thoái bớt vốn tại Masan.

Mitsubishi Materials – Nhật Bản

Vào tháng 11/2020, Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials hoàn tất thỏa thuận thiết lập liên minh chiến lược, trong đó Masan High-Tech Materials nhận đầu tư 90 triệu USD từ tập đoàn Nhật Bản, tương ứng 10% tổng số cổ phần.

Cụ thể, Mitsubishi Materials Corporation đã mua 109,9 triệu cổ phần phổ thông phát hành mới theo phương thức chào bán riêng lẻ với tổng giá trị tiền mặt là 90 triệu USD. Mitsubishi Materials Corporation nắm giữ 10,0% vốn cổ phần pha loãng hoàn toàn của công ty và là cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Materials.

Hai bên sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.

Trước đó, Masan High-Tech Materials đã có thương vụ mua lại mảng kinh doanh vonfram từ H.C. Starck (HCS) – doanh nghiệp vonfram cận sâu hàng đầu thế giới vào tháng 6/2020. Sự hợp tác với đối tác đến từ Nhật Bản nhằm củng cố bước chuyển đổi của Masan High-Tech Materials, có thể trở thành nền tảng vonfram công nghệ cao tích hợp theo chiều dọc.

Với sự xuất hiện của Alibaba, Masan xem như đã thành công thu hút nhà đầu tư của những cường quốc mạnh nhất châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

Nguồn: CafeBiz