featured image

Cảm hứng sáng tạo từ các quảng cáo hay nhất mọi thời đại

Các chiến dịch quảng cáo từ khắp nơi trên thế giới luôn mang đến nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm sáng tạo. Hãy cùng điểm qua những chiến dịch quảng cáo hay nhất mọi thời đại và những bài học giá trị chúng ta có thể làm theo nhé.

1. Nike: Just Do It

Hình thức quảng cáo: Print, TV, Internet

Trước đây, sản phẩm của Nike chỉ chủ yếu phục vụ cho các vận động viên chạy marathon.   Vào những năm 1980, khi cơn sốt tập thể thao bắt đầu xuất hiện, bộ phận marketing của Nike đã ngay lập tức dụng thời cơ để vượt qua đối thủ cạnh tranh chính là Reebok (lúc đó Reebok bán được nhiều giày hơn Nike). Chiến dịch “Just Do It” đã ra đời từ đó.

Ảnh: Nike

Chiến dịch thực sự đã tạo nên một cú hit, giúp doanh thu của Nike từ 800 triệu đô la năm 1988 lên 9,2 tỷ vào năm 1998. Câu khẩu hiệu “Just do it” ngắn gọn nhưng đầy cảm hứng, giúp mọi người vực dậy tinh thần, khuyến khích họ hãy đứng lên làm điều mình thích, chẳng cần phải e ngại gì cả, “Cứ làm thôi”.

Bài học rút ra: Khi bạn đang tìm cách giới thiệu thương hiệu của mình, hãy tự trả lời các câu hỏi: Doanh nghiệp của bạn giải quyết được vấn đề gì cho khách hàng? Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cung cấp giải pháp nào? Bằng cách đánh vào vấn đề cốt lõi đó trong tất cả các thông điệp, bạn sẽ thu hút và kết nối được cảm xúc với người tiêu dùng của mình.

2. Coca Cola: Share a Coke

Hình thức quảng cáo: Print

Khi các thương hiệu đã lớn mạnh, sẽ rất khó để họ vượt qua cái bóng của chính mình. Tuy nhiên, Coca Cola vẫn làm được điều đó và thậm chí còn tạo nên một cơn sốt toàn cầu khi tung ra chiến dịch “Share a Coke”.

Ảnh: Ogilvy

Chiến dịch khởi nguồn ở Úc vào năm 2011, khi Coca-Cola cá nhân hóa những chai nước bằng cách in 150 cái tên phổ biến nhất trong nước lên bao bì. Sau đó, đội ngũ ở Mỹ cũng làm theo, in tên lên mặt trước chai và lon Coca Cola bằng phông chữ của thương hiệu.  Người tiêu dùng thậm chí có thể đặt hàng chai tùy chỉnh trên trang web của Coca Cola để yêu cầu in biệt danh hoặc biểu tượng trường đại học.

Chiến dịch đã tạo ra một sự đột phá trong ngành tiếp thị – quảng cáo, có người khen và cũng có kẻ chê. Pepsi thậm chí còn tung ra quảng cáo “khiêu khích” ngay sau khi chiến dịch ra mắt. Tuy nhiên, Coca Cola đã thành công trong việc thu hút sự chú ý và yêu thích cho thương hiệu của mình.

Bài học rút ra: Là một sản phẩm được mua thường xuyên, Coca Cola đã thành công khi khai thác tâm lý “cá nhân hoá” của người tiêu dùng vào quảng cáo của mình. Tự hỏi mình sẽ lấy được tên gì từ máy bán hàng tự động là một cảm giác hồi hộp thú vị – ngay cả đó không phải là tên của bạn, nó cũng khuyến khích bạn chia sẻ với bạn bè và người thân của mình.

3. Absolut Vodka: The Absolut Bottle

Hình thức quảng cáo: Print

Biết rằng chai đựng của mình không phải là một thiết kế đặc biệt,  nhãn rượu vodka Absolut đã biến nó trở thành chai rượu dễ nhận biết nhất trên thế giới. Chiến dịch của họ, gồm các quảng cáo với các vật thể được sắp xếp khéo léo để gợi nhớ về hình dáng chai lọ một cách tự nhiên, thành công đến mức nhãn hàng này đã liên tục chạy nó trong suốt 25 năm. Đây là chiến dịch quảng cáo dài nhất từ ​​trước đến nay, không bị gián đoạn và bao gồm hơn 1500 quảng cáo riêng biệt.

Ảnh: Burning Through Journey Blog
Ảnh: Burning Through Journey Blog

Trước khi bắt đầu chiến dịch, Absolut chỉ chiếm 2,5% thị phần vodka ở Mỹ. Đến cuối những năm 2000, Absolut đã nhập khẩu 4,5 triệu thùng mỗi năm, tương đương một nửa số vodka nhập khẩu vào Mỹ.

Bài học rút ra: Cho dù sản phẩm của bạn trông nhàm chán đến mức nào, bạn vẫn có thể kể về nó một cách thú vị. Ở đây, Absolut đã tạo ra 1500 quảng cáo chỉ cho một chai rượu. Hãy quyết tâm và làm cho sản phẩm của bạn khác biệt theo cách tương tự.

4. Anheuser-Busch inBev: Whassup (1999)

Hình thức quảng cáo: TV

Đã bao giờ bạn thay đổi cách nói chuyện của mình sau khi xem một đoạn quảng cáo? AB inBev đã biến câu chào “Whassup?!” trở thành câu nói gây nghiện của giới trẻ Mỹ sau quảng cáo của Budweiser.

Loạt quảng cáo này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 1999, cùng hình ảnh một nhóm bạn đang điện thoại cho nhau trong khi uống bia và  xem TV. Khi được hỏi: “Đang làm gì đó?”, một người trả lời: “Xem TV, uống Bud” (Budweiser). Khi nhiều người bạn nhấc máy hơn, mọi người hét chào nhau bằng câu “WHASSUP !?”, và nó đã trở thành câu cửa miệng kinh điển, một biểu trưng cho văn hóa uống bia khi liên tục xuất hiện trên các đài thể thao trong một vài năm.

Bài học rút ra: Quảng cáo đã gây bão trong trận Super Bowl năm 2000, và bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng vang của nó cho đến ngày nay. Anheuser-Busch đã cho chúng ta thấy rằng, một quảng cáo vẫn ổn nếu chúng “ngớ ngẩn”, mà không cần khoe khoang quá nhiều về tính năng hay thương hiệu. Dám tán dương những điều tưởng như ngớ ngẩn, quảng cáo của bạn càng thành thật thì sản phẩm của bạn sẽ càng có giá trị.

5. Bia Miller Lite: Great Taste, Less Filling (1974)

Hình thức quảng cáo: Print, TV

Bạn nghĩ có dễ dàng không để tạo ra một thị trường hoàn toàn mới cho sản phẩm của mình? Vậy mà Miller Brewing Company (nay là MillerCoors) đã làm được điều đó, mở ra thị trường bia nhẹ và thống trị nó. Họ chạy chiến dịch “Hương vị tuyệt vời, và bớt no” để khuyến khích “những người đàn ông thực thụ” uống bia nhẹ, vì đa phần khách hàng của họ nghĩ rằng bia nhẹ không ngon.

Ảnh: BuildingPharmaBrands Blog

Bắt đầu cuộc tranh luận, Miller sử dụng hình ảnh những người mẫu nam tính uống bia nhẹ của họ, và tuyên bố rằng nó có hương vị tuyệt vời.

Bài học rút ra: Trong nhiều thập kỷ sau khi chiến dịch này được chạy, Miller Lite đã thống trị thị trường bia nhẹ. Bài học cho các nhà tiếp thị là cố gắng trở nên khác biệt. Nếu mọi người nói rằng sản phẩm của ban sẽ không có chỗ, hãy tạo ra thị trường của riêng bạn để bạn có thể nhanh chóng trở thành người dẫn đầu.

6. Always: #LikeaGirl (2015)

Hình thức quảng cáo: TV, Internet

Thương hiệu Always đã thành công vang dội với quảng cáo này, vì nó để lại một thông điệp sâu sắc mà hàng trăm triệu người đã nhắc lại rất lâu ngay cả sau khi chiến dịch kết thúc.

Chiến dịch bắt đầu như một đoạn quảng cáo giải thích sự kỳ thị đằng sau việc chơi thể thao “như con gái” – chỉ có chơi thể thao như các chàng trai thì mới đúng chất. Đến cuối quảng cáo, thông điệp trở nên rất rõ ràng và tràn đầy cảm hứng: Các bé gái cũng có thể lực và khả năng như các bé trai, đặc biệt là trong độ tuổi dậy thì – giai đoạn vô cùng quan trọng đối với Always và các sản phẩm dành cho phụ nữ của họ.

Bài học rút ra: Hiểu rõ khách hàng là hiểu cả những thách thức mà họ phải đối mặt – đặc biệt là những thách thức phản ánh thời gian hoặc văn hóa của bạn. Không phải mọi vấn đề xã hội đều nằm ngoài giới hạn của tiếp thị và quảng cáo. Hãy đứng về phía mà khách hàng của bạn ủng hộ, và bạn sẽ kết nối được với khách hàng xác định bằng niềm đam mê của mình.

Nguồn: HubSpot Blog  / Cre: Advertising Vietnam