featured image

Nhật Bản, TPP và cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam

“Việc Nhật Bản tham gia TPP và đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt để ngành nông nghiệp tiếp thu vốn lớn, công nghệ mới và mở rộng thị trường” – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định tại CEO Forum 2013 (TP.HCM, ngày 30.10).

Nhat ban TPP co hoi nong nghiep Viet Nam CEO 2013

Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một khi đã tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP, tức là Nhật Bản sẽ phải mở cửa cho ngành nông nghiệp, như vậy nông sản của Nhật Bản phải cạnh tranh giá với nông sản của nhiều nước. Cho nên, Nhật Bản quyết định đầu tư lớn vào nông nghiệp của Việt Nam vì Việt Nam cũng là nước thành viên TPP lại có tiềm năng lớn về nông nghiệp, khi xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản thuế suất sẽ bằng 0%, đồng thời đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu phải có 70% thuộc về nội khối TPP.

“Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải nắm bắt để ngành nông nghiệp tiếp thu được nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ mới và mở rộng thị trường” – ông Doanh nhận định.

Lý do ngành nông nghiệp được ông Doanh nhấn mạnh là bởi lần đầu tiên sau nhiều năm phát triển tốt, ngành nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam – lại rơi vào khó khăn khi tăng trưởng chỉ đạt 2,6% năm 2012, dự kiến năm nay chỉ có thể đạt 2,8%.

Toàn ngành nông nghiệp đều gặp khó đồng nghĩa với cuộc sống của người nông dân rất bấp bênh. Sản phẩm thì thừa ứ khó bán, đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp giảm sút, tín dụng ít tới tay nông dân mà có tới cũng không còn là “giá rẻ”. Không ít nông dân làm chăn nuôi, thuỷ sản bị vỡ nợ dẫn đến phá sản. Chỉ cần một vụ như Tập đoàn CP (Thái Lan – Trung Quốc) chiếm giữ 70% thị trường chăn nuôi, thức ăn gia súc và là giá trứng gà như vừa qua cũng đủ gây nhiều thiệt hại cho nông dân…

Mặt khác, hiện có nông dân 22/63 tỉnh thành bỏ ruộng đất. Nguyên nhân chính là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp, càng làm càng lỗ, thu nhập của nông dân chưa đến 50.000 đồng/ngày…

Trong khi đó, ông Doanh cho biết Trung Quốc đã tuyên bố thẳng thừng rằng không thể tự sản xuất để bảo đảm nguồn lương thực trong nước cho nên họ thuê đất ở Ukraine, Úc, châu Phi… rồi đưa nông dân của mình sang trồng trọt, sau đó chuyển về nước. Cho nên, nếu không biết giữ và tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đàng hoàng, nhanh chóng rất có thể Trung Quốc lại sang đây thuê đất ruộng và đưa nông dân của họ sang. Khi đó coi như ngành nông nghiệp quốc gia lâm nguy. Cần lưu ý vào năm 2015, Việt Nam phải thực thi theo lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, buộc phải cắt giảm đến 90 dòng thuế.

“Theo tôi, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là rất tốt, nếu thực hiện đúng sẽ mang lại hiệu quả. Việc chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vì họ chưa có đầy đủ thông tin, hơn nữa lại dễ gặp rủi ro về thiên tai, giá cả thị trường. Tuy nhiên, với tinh thần Dám thay đổi – Dám gặt hái như CEO Forum 2013, chúng ta vẫn cần phải tìm cách thay đổi, sáng tạo để cùng chia sẻ với người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng nghĩa với việc giúp cho nền kinh tế đất nước trụ vững” – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.

Video clip Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn báo giới bên lề CEO Forum 2013

Bài: Anh Thư

Ảnh và Video clip: Trần Linh

Motthegioi.vn