featured image

Nhà đầu tư đẩy mạnh rót vốn vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á


Giao diện của ứng dụng Emmdi

Tại sự kiện Virtual Investment Day do ThinkZone tổ chức trực tuyến, ứng dụng tích hợp gọi xe ô tô Emddi đã huy động vốn đầu tư mạo hiểm thành công với hai triệu USD. Emddi là nền tảng công nghệ điều vận xe trực tuyến hoạt động theo một mô hình hoàn toàn mới, được phát triển bởi các chuyên gia và nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Khác biệt của Emddi là cung cấp nền tảng công nghệ cho các công ty taxi độc lập, không tham gia vào việc định đoạt giá cước hay hoạt động kinh doanh vận tải. Dựa trên nền tảng Emddi, người quản trị có thể tạo ra hàng ngàn hệ thống phần mềm gọi xe độc lập, mỗi hệ thống do một đơn vị vận tải làm chủ. Các đơn vị vận tải này có thể tự tạo và quản lý các dịch vụ vận tại công nghệ của riêng mình như đặt xe taxi, xe hợp đồng điện tử, xe máy, xe vận chuyển hàng hóa và nhiều loại hình vận tải khác. Đối với khách hàng, Emddi còn là môi trường kết nối, liên thông các dịch vụ của các đơn vị trên toàn hệ thống ở nhiều địa phương khác nhau, giúp tổng hợp và cộng hưởng sức mạnh. Khách hàng chỉ cần dùng một phần mềm Emddi có thể lựa chọn và sử dụng được tất cả các dịch vụ vận tải của nhiều nhà cung cấp trên toàn quốc. Emddi mới tập trung phát triển ở mảng ôtô. Khi mới ra mắt, công ty từng tích hợp các ứng dụng gọi xe máy, tuy nhiên do gặp vấn đề về nhân lực nên phải dừng lại. Hiện, nền tảng vận tải công nghệ này có quy mô và phạm vi hoạt động vận tải tại hơn 40 tỉnh, thành phố với sự tham gia của 30.000 xe taxi. Giải pháp tổng thể cho hệ thống xe buýt hai tầng do Emddi phát triển là giải pháp đầu tiên trên thị trường cho loại hình vận tải này. Cuối năm ngoái, Emddi đã nhận đầu tư số vốn ở vòng series A cũng trong chương trình của Thinkzone. Đầu tháng tư năm nay, công ty đã hợp tác với Be Group, Liên minh Taxi Việt để mở rộng độ phủ thị trường. Emddi hiện đáp ứng công nghệ cho hàng loạt hãng taxi trên cả nước, cung cấp ba dịch vụ chính là: gọi xe bốn bánh, gọi xe hai bánh và gọi xe taxi. Riêng tại khu vực Hà Nội, nền tảng cung cấp thêm hai dịch vụ là gọi xe sân bay và liên tỉnh hai chiều.


Người nông dân Việt Nam cũng sử dụng Facebook.

Nông thôn Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng đối với Facebook khi ngày càng nhiều nhà bán lẻ sử dụng tính năng trò chuyện (chat) và video để bán hàng, trong khi mảng quảng cáo của Facebook ngày càng gặp khó. Với doanh thu chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo, Facebook cho biết người nông thôn Việt Nam ngày càng thích nghi nhanh chóng với việc sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là tính năng trò chuyện và video. Để thúc đẩy tăng trưởng, thị trường nông thôn là một phần trong kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của mạng xã hội này. Cuộc khảo sát từ Facebook cho thấy, 92% số hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam có smartphone. Họ sử dụng chúng để chơi game, mua sắm và xem TV với những thao tác sử dụng tinh vi, có thể khai thác hết các công cụ có trong tay. Chính vì lý do này Facebook đang muốn đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực liên quan đến thói quen xem video ngày càng phát triển của người dùng nông thôn, bao gồm phát trực tiếp, xem video trên Facebook Watch, video clip trong News Feed, đăng bài trên Instagram,… Để phát triển thương mại điện tử trên các dịch vụ này, chúng sẽ được bổ sung chức năng trò chuyện, giúp người bán trả lời câu hỏi trực tiếp. Facebook hy vọng những công cụ này sẽ giữ cho các nhà bán lẻ kết nối với người dùng Facebook, đặc biệt là sau khi chính sách của Apple có hiệu lực vào tháng 4 vừa qua với iOS 14.6, yêu cầu các ứng dụng phải có sự đồng ý của chủ sở hữu iPhone để theo dõi họ. Chính sách thay đổi có nghĩa là các công ty sẽ khó gửi các quảng cáo được nhắm mục tiêu đến cơ sở khách hàng của họ hơn. Hiện tại các nhà quảng cáo vẫn đang tìm cách thích ứng với chính sách theo dõi chặt chẽ hơn của Apple. Quảng cáo tùy chỉnh vẫn là hiệu quả nhất, trong khi loại hình thương mại xã hội mà Facebook đã triển khai trước đó chưa thực sự hiệu quả. Khó khăn của Facebook hiện nay là phải đối mặt với sự cạnh tranh của các dịch vụ video phổ biến với người dân trước đó là YouTube và mới nhất là TikTok. Chưa dừng lại ở đó, các doanh nghiệp hướng đến thương mại trực tuyến cũng lo ngại khu vực nông thôn khi chi phí mua sắm vẫn còn đắt để mọi người tiếp cận. Nguyên nhân vì ít cơ sở hạ tầng bên ngoài các thành phố, trong khi chi phí logistics bên ngoài thành phố cũng cao khiến người dân e dè, bất chấp doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo.


Locus là một startup về quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Locus, một startup về quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng có trụ sở tại Ấn Độ và Mỹ, đã huy động được 50 triệu USD trong vòng kêu gọi vốn đầu tư Series C mới nhất do quỹ tài sản có chủ quyền GIC của Singapore dẫn đầu. Qualcomm Ventures, các nhà đầu tư hiện tại Tiger Global và Falcon Edge, và các nhà đầu tư thiên thần bao gồm Amrish Rau và Kunal Shah cũng tham gia vào vòng này. Khoản đầu tư mới sẽ được sử dụng để mở rộng phạm vi tiếp cận của Locus và xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy dòng sản phẩm của mình. Công ty đã huy động được 30 triệu USD vốn đầu tư cho đến nay. Locus sử dụng deep machine learning và các thuật toán độc quyền để cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng thông minh cho khách hàng. Họ cung cấp các dịch vụ như tối ưu hóa lộ trình, theo dõi đơn hàng theo thời gian thực, kế hoạch bán hàng năng động và hợp tác với các công ty hoạt động trong lĩnh vực FMCG, hậu cần và không gian thương mại điện tử như Myntra, BigBasket, Licious, Lenskart và Bluedart. Locus cho biết họ sẽ tuyển dụng những nhân viên có bằng tiến sĩ triết học cho nhóm khoa học dữ liệu của mình. Họ cũng đang tìm cách tăng gấp đôi số bằng sáng chế của mình vào năm 2022. Startup này hiện đang làm việc với các khách hàng trên khắp Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Châu Âu và Ấn Độ. Họ có văn phòng tại Mỹ, Anh, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Việt Nam và Đức. Locus nói rằng các sản phẩm của họ đã tiết kiệm cho các doanh nghiệp hơn 150 triệu USD chi phí hậu cần, cùng với việc giảm 70 triệu km quãng đường di chuyển. Họ cũng cho biết các giải pháp của họ đã cắt giảm hơn 17 triệu kg khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho khách hàng trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, bán lẻ, và tạp hóa điện tử.


Đại diện các văn phòng Intrepid có mặt tại buổi gọi vốn đầu tư trực tuyến

Intrepid Group, một nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp thương mại điện tử đa kênh có trụ sở chính tại Singapore, công bố rằng họ đã huy động được 11 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B quá mức đăng ký mới nhất của mình. Nhà đầu tư mạo hiểm Vulpes Investment Management, một nhóm các nhà đầu tư tư nhân toàn cầu bao gồm cả Tổng công ty Thakral niêm yết tại SGX, cũng tham gia vòng đấu này. Khoản vốn mới sẽ được đầu tư vào bộ công nghệ của Intrepid để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khách hàng trên khắp Đông Nam Á. Công ty cho biết họ đã đạt được lợi nhuận ở hai trong số các thị trường của mình, mặc dù họ không nêu rõ chúng. Họ cũng đang trên đà phát triển lợi nhuận trong khu vực. Intrepid được thành lập vào năm 2017 bởi Charles Debonneuil, người đồng sáng lập và là cựu giám đốc tiếp thị của Lazada Group. Công ty giúp các thương hiệu cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ phát triển của họ trên các nền tảng thương mại điện tử của Đông Nam Á, chẳng hạn như Lazada và Shopee. Hiện tại, Intrepid có đội ngũ hơn 250 nhân viên bao gồm các chuyên gia trong ngành về thương mại điện tử, tiếp thị và công nghệ tại các văn phòng của mình tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Công ty cũng đã hợp tác với hơn 60 thương hiệu quốc tế để mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa kênh của họ ở Đông Nam Á. Vào tháng 8/2020, Intrepid đã huy động được một khoản vốn đầu tư không được tiết lộ trong vòng gọi vốn Pre-Series B do Thakral Corporation và Sun SEA Capital, một nhà đầu tư đang được Sunway Group hỗ trợ. 


Danh sách tuyển thủ đại diện của tám nước tham gia tranh tài

Microsoft Excel, công cụ xử lý các con số cho những người làm văn phòng trong việc tính toán và lập bảng biểu. Dù có vô vàn tựa game nổi tiếng nhưng ít ai ngờ được rằng Excel giờ đây lại đã có thể trở thành bộ môn eSports để thi đấu trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên công ty này tổ chức giải đấu World Cup lập mô hình tài chính Microsoft Excel. Theo thông báo từ Microsoft Excel trên trang Twitter chính thức mới đây, giải đấu xây dựng mô hình tài chính này đã được livestream vào ngày 8/6/2021 vừa qua với 8 đại diện của 8 quốc gia so tài với nhau, bao gồm có Anh, Úc, Ba Lan, Nam Phi, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Malaysia, Canada. Dù rất “lạ đời” thế nhưng ngay sau khi được công bố, các fan trên toàn thế giới lại vô cùng thích thú với “bộ môn” này. Đa số mọi người cho rằng Excel hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành bộ môn eSports, một số khác lại đang rất mong chờ để theo dõi các tuyển thủ thi đấu. Giải đấu Financial Modeling World Cup đã diễn ra hết sức thành công với chiến thắng chung cuộc thuộc về tuyển thủ Michael Jarman của Canada. Các trận đấu được phát sóng trực tiếp trên Youtube và thu hút tới hơn 62 nghìn lượt xem chỉ trong vòng 24 giờ. Sau khi giải đấu kết thúc, các mô hình tài chính này đã được chia sẻ đến khán giả, theo đó họ có thể học được những thủ thuật từ những bộ óc vĩ đại nhất trong mô hình tài chính. Khi nói đến eSports thì có vẻ như Microsoft Excel hoàn toàn không có mối liên hệ gì ở đây. Mặc dù vậy, Excel không còn chỉ là một chương trình mà cha mẹ bạn sử dụng để theo dõi chi phí, bạn sẽ được chứng kiến giải đấu thế giới về xây dựng mô hình tài chính Microsoft Excel đầu tiên. Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử chúng ta được chứng kiến một giải đấu eSports thường niên nơi các đấu thủ đến từ nhiều nước trên thế giới sẽ tranh tài xây dựng mô hình tài chính trên Microsoft Excel. Quy mô của giải đấu dự kiến sẽ còn được mở rộng trong những năm tiếp theo.

Thông tin tổng hợp từ VNExpress, Nikkei Asia, Tech In Asia, Entrepreneur.