featured image

Netflix “lấn sân” thương mại điện tử, bán các sản phẩm “ăn theo” phim ảnh, cạnh tranh với Disney

Nói đến sản phẩm “ăn theo” phim ảnh thì không thể phủ nhận Disney là “ông trùm”. Váy công chúa, quần áo, đồ chơi ăn theo Toy Story, Up, Aladdin bao phủ khắp thế giới. Điều này khiến Disney trở thành một con đường hình mẫu các hãng giải trí khác cũng phải bắt chước theo. Và mới nhất là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực phát trực tuyến Netflix Inc ngày 10/6 (giờ địa phương) thông báo sẽ mở cửa hàng trực tuyến để bán các bộ quần áo phiên bản giới hạn và đồ sưu tầm “ăn theo” các bộ phim “Stranger Things,” “Lupin” và các chương trình truyền hình nổi tiếng khác. Theo đó, Netflix vừa chính thức khai trương trang thương mại điện tử netflix.shop, được xây dựng với sự trợ giúp của Shopify, nơi bạn có thể mua những món đồ thời trang như mũ, vòng cổ, áo hoodie,… Động thái này là một phần trong nỗ lực kiếm thêm doanh thu, đồng thời cạnh tranh với mảng kinh doanh sản phẩm ăn theo của Disney, vốn được hậu thuẫn bởi doanh thu từ các hoạt động thương mại và các công viên giải trí. Hệ thống gian hàng này dự kiến sẽ mang đến nguồn doanh thu mới cho Netflix và mở rộng các dòng sản phẩm, ngoài các mặt hàng mà Netflix đang bán trên các nền tảng đối tác như Target Inc hay Walmart Inc.

Giao diện của trang web netflix.shop

Trong một bài đăng trên blog, Netflix cho biết netflix.shop sẽ mở rộng thêm sang các quốc gia khác trong những tháng tới. “Chúng tôi luôn xem xét cách chúng tôi có thể mở rộng thế giới câu chuyện của mình cho người hâm mộ, từ quần áo và đồ chơi đến các sự kiện và trò chơi phong phú. Và đó là lý do tại sao hôm nay chúng tôi ra mắt netflix.shop như một điểm đến mới thú vị, kết hợp các sản phẩm được tuyển chọn và cách kể chuyện phong phú trong trải nghiệm mua sắm độc đáo,” Netflix viết. Netflix cho biết thêm những hàng hóa được bán trên cửa hàng trực tuyến sẽ là “các sản phẩm trang trí và may mặc hằng ngày chất lượng cao được lựa chọn cẩn thận.” Hiện tại, cửa hàng có các sản phẩm thời trang dạo phố và các mô hình nhân vật dựa trên loạt phim hoạt hình hoạt hình Nhật “Eden” và “Yasuke”. Chẳng bao lâu nữa, cửa hàng sẽ bán mũ bóng chày, áo phông, áo hoodie và áo len mang thương hiệu của loạt phim kinh dị, tội phạm của Pháp “Lupin” lấy cảm hứng từ một tên trộm lão luyện. Các sản phẩm được thiết kế thông qua sự hợp tác cùng phát triển với bảo tàng Louvre của Paris. Trong tương lai, Netflix có kế hoạch giới thiệu các sản phẩm “ăn theo” loạt phim ăn khách “The Witcher” và “Stranger Things” và trang phục mang logo Netflix của hãng thời trang Nhật Bản BEAMS. Netflix cũng đã tạo ra các trò chơi điện tử dựa trên các chương trình “Stranger Things” và “La casa de Papel (Money Heist).”

Disney cũng có dịch vụ phát phim trực tuyến của riêng mình là Disney+.

Nhà tiên phong trong lĩnh vực phát trực tuyến video này đang phải đối mặt với danh sách các đối thủ cung cấp dịch vụ tương tự cùng với các bộ phim và chương trình truyền hình mới ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử là bước đi hợp lý đối với Netflix, một nỗ lực được dẫn dắt bởi Josh Simon, người điều hành bộ phận sản phẩm tiêu dùng của công ty. Dưới sự chỉ đạo của Simon, Netflix đã có quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ như Walmart, Amazon, Target và Sephora để bán các sản phẩm gắn liền với nội dung của họ. Dù mới khởi động nhưng trang web bán hàng của Netflix đã thu hút được lượng truy cập khá cao. Nhưng Netflix chưa bao giờ phát triển mạnh về thương mại điện tử – vốn đang có một mảng thị trường tiềm năng về các sản phẩm liên quan đến phim ảnh. Disney, công ty có cả cửa hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống ở thành phố New York, là đơn vị đang chiếm nhiều thị phần – chúng ta đã quá quen với những chiếc áo phông in hình Mickey hay Bambi. Nhưng Netflix tin rằng những bộ phim ăn khách như Tiger King và Stranger Things cũng sẽ giúp cho họ “bội thu” bằng mô hình tương tự. Khi Disney lần đầu tiên công bố ý định ra mắt dịch vụ phim trực tuyến (streaming) của mình vào mùa hè năm 2017, điều đó báo hiệu rằng cuộc đua giữa Disney và Netflix đang bắt đầu, và bản chất thực sự của cuộc cạnh tranh có thể được đo lường bằng việc liệu Disney có thể trở thành Netflix nhanh hơn Netflix có thể trở thành Disney hay không. Nói cách khác, một trong những thách thức lớn nhất của Netflix là phân nhánh sang các loại luồng doanh thu khác giống như Disney. Netflix có thể xây dựng một loại hệ sinh thái tương tự để kiếm tiền, nhưng công ty sẽ phải mất một thời gian dài để đạt được bước này, trong khi Disney đã nhanh chóng triển khai mô hình giải trí trực tuyến và đã tạo nên thành công. Netflix hiện tại đang hy vọng vào đội ngũ nhân sự gia nhập từ Disney để theo đuổi tham vọng của mình, một trong số đó là Christie Fleischer, người đứng đầu mảng sản phẩm tiêu dùng toàn cầu của công ty, đã từng làm việc tại Disney cho đến năm 2018 với tư cách là người đứng đầu mảng trải nghiệm và sản phẩm tiêu dùng.

Thông tin tổng hợp từ Reuters, Variety, và The Verge.