featured image

Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo: Mở cửa các dòng vốn

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệpTP.HCM (BSSC) không giấu nổi vẻ hào hứng khi nói về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

“Chúng tôi rất mừng vì Dự thảo đã ghi nhận sự khác biệt giữa quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư chứng khoán. Vì phải làm rõ sự khác biệt này thì các quy định liên quan mới thực hiện được theo đúng tư duy đổi mới, sáng tạo”, bà Phi nói.

Có cơ sở pháp lý rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ an tâm đổ vốn vào các Dự án khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Hồng Phúc
Có cơ sở pháp lý rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ an tâm đổ vốn vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Hồng Phúc

Vài tháng trước, bà Phi đã rất bức xúc vì không thể xử lý các thủ tục để thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp, cho dù nguồn tiền từ các nhà đầu tư đã có.

Lý do là, nếu căn cứ vào quy định pháp lý hiện hành, thì chỉ có quy định về quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán, với rất nhiều điều kiện chặt chẽ như phải có ít nhất 100 nhà đầu tư và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất 50 tỷ đồng với quỹ đại chúng; 30 thành viên góp vốn pháp nhân và vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng với quỹ thành viên…

Một số nhà đầu tư đã quyết định thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp, với mục đích đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, cũng chưa có quy định về đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Các hoạt động đầu tư tài chính có quy định, như công ty tài chính, đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phi ngân hàng… đều là các hoạt động kinh doanh có điều kiện với các quy định cấp phép đặc thù.

“Thực ra, các nhà đầu tư vẫn đang đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo. Dòng vốn vẫn đang chạy, nhưng ở nhiều dạng thức khác nhau, chủ yếu là do các nhà đầu tư có hứng thú riêng với hoạt động này. Nếu được pháp lý hóa, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ thành một hình thức đầu tư và sẽ thu hút nhiều nguồn lực mới”, bà Phi phân tích.

Điều quan trọng là, việc ghi nhận cơ sở pháp lý cho các hoạt động này khiến các doanh nghiệp có thể hạch toán được các khoản đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như nhận được các cơ chế ưu đãi dành riêng.

“Phải xác định rõ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, phần thua chắc hơn phần thắng, nên các nhà đầu tư cần sự an tâm về pháp lý”, bà Đỗ Tú Anh, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cho biết thêm.

Những lấn cấn

Tất nhiên, không phải mọi việc đều đã rõ.

“Chúng ta phải thừa nhận thực tế là đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã có, nên nguyên tắc xây dựng Nghị định này là không cản trở cái gì đang làm tốt, phải thúc đẩy mạnh hơn nguồn vốn mới. Nhưng đây là vấn đề mới với Ban Soạn thảo”, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện Ban Soạn thảo thẳng thắn.

Nguyên tắc xây dựng Nghị định này là không cản trở cái gì đang làm tốt, phải thúc đẩy mạnh hơn nguồn vốn mới.

Ngay trong cuộc hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức cuối tuần trước, bà Thủy đã liệt kê một loạt vấn đề cần xin ý kiến.

Đó là các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo gồm cổ phần, vốn góp, khoản vay chuyển đổi đã đủ chưa? Khoản vay chuyển đổi có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng hay không? Có nên xem xét quy định một số điều kiện tài chính đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để bảo vệ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, giảm nguy cơ trục lợi, chiếm dụng vốn…

Ban Soạn thảo rất cân nhắc xem có nên quy định công ty đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chỉ được đầu tư sáng tạo hay có thể coi là 1 hoạt động trong số nhiều ngành nghề kinh doanh. Việc quy định công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo chỉ được quản lý 1 quỹ đầu tư khởi nghiệp hay nhiều hơn cũng là vấn đề cần bàn, vì có lo ngại rằng, nếu quản lý nhiều quỹ sẽ dẫn tới việc huy động vốn trên diện rộng, tăng độ rủi ro cho nhà đầu tư. Đây cũng là lý do mà đang có đề xuất mỗi quỹ chỉ nên có tối đa 30 thành viên góp vốn…

Nhưng, việc một công ty quản lý 1 quỹ cũng không phải là giải pháp ngăn ngừa rủi ro trong khi gây phát sinh chi phí xã hội lớn khi mỗi quỹ phải thành lập một công ty…

Chia sẻ quan điểm thận trọng, nhưng ông Cao Đăng Vinh, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế tổng hợp, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, các quy định nên  cởi mở.

“Vì đây là hình thức mới, nên tinh thần có lẽ là khuyến khích, cởi mở trước để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia. Chúng ta có thể xem xét, chỉnh sửa khi thực tế phát sinh các vấn đề mới”, ông Vinh đề xuất và cho rằng, không giới hạn hoạt động của công ty đầu tư đổi mới sáng tạo hay hạn chế số quỹ của công ty quản lý quỹ.

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng còn đề nghị “mở hết sức để khuyến khích”. “Tại sao lại đặt tỷ lệ doanh nghiệp nhận các khoản đầu tư không quá 50% vốn điều lệ mới được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp? Thực tế nhiều người khởi nghiệp chỉ có 20% vốn, hoặc thậm chí chỉ có ý tưởng. Nếu giới hạn vốn đầu tư, họ sẽ không đủ sức thương mại hóa”, ông Cảnh lý giải.

Hơn thế, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (SIHUB) nhấn   mạnh tới tính khác biệt của khởi nghiệp sáng tạo.

“Các dự án khởi nghiệp sáng tạo không muốn các quỹ đầu tư lớn để giữ tinh thần khởi nghiệp. Phần lớn các thỏa thuận đầu tư đều dưới 20%”, ông Tước nói.

Tuy nhiên, ông Tước cũng đề nghị không quá cầu toàn trong các quy định: “Điều quan trọng nhất lúc này là có khung khổ pháp lý để mở cửa hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Với các vấn đề còn lại, thực tế sẽ cho biết cần chỉnh sửa thế nào”.

Khánh An – Đầu tư Online