featured image

M&A ngành ngân hàng: Tiền tươi đã rót

DNSGO – Sự khó khăn của nền tài chính năm 2011 khiến nhiều người nói chắc rằng, việc sáp nhập và mua lại (Mergers & Acquisitions – M&A) sẽ là xu thế tất yếu trong ngành tài chính, ngân hàng (NH) trong thời gian tới. Chưa biết những dự đoán này đúng hay sai, nhưng thương vụ LienVietBank và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) đã sáp nhập với nhau để trở thành NH Bưu điện Liên Việt, cho thấy con đường M&A ngành NH không chỉ còn trên giấy.

Diễn giả tham dự hội thảo M&A do Báo Đầu tư tổ chức – Ảnh: Quý Hòa

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Vietnam tổ chức, các chuyên gia khẳng định, hiện nay, các tổ chức tài chính, các NH nước ngoài đang tích cực sử dụng công cụ M&A để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Thực tế, theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các thương vụ M&A của năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó lĩnh vực tài chính – NH vẫn chiếm nhiều nhất. Điển hình cho hoạt động M&A trong ngành NH Việt Nam thời gian gần đây là vụ Liên Việt bán cổ phần cho VnPost để tăng thêm vốn điều lệ.

Theo đề án, dự kiến vốn điều lệ LienVietBank sẽ tăng lên gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 10.000 tỷ đồng nguồn vốn huy động của VPSC cũng sẽ được chuyển về LienVietBank theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Giá trị cụ thể cuối cùng thì phải chờ các cơ quan chức năng định giá theo quy định của pháp luật, nhưng từ chuyện của Liên Việt, có thể nói rằng, trong bối cảnh bùng nổ hoạt động NH, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong lĩnh vực này, sau giai đoạn có nhiều NH được thành lập, người ta bắt đầu nói nhiều đến sáp nhập.

Rõ ràng, khi mà nội lực của một số NH nhỏ suy yếu, tự thân các NH khó lòng vượt qua thì nhu cầu hợp tác, mượn sức, kề vai để tìm kiếm vốn lại trở thành nhu cầu khách quan. Xu thế sáp nhập các NH vì thế được giới chuyên gia dự báo là sẽ xảy ra sớm, đặc biệt trong giai đoạn hạn tăng vốn điều lệ theo chỉ tiêu của NHNN ở mức cận kề.

Thừa nhận điều này, ông Mayooran Elalimgam, Trưởng bộ phận M&A Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Deutsche Bank nói rằng, Việt Nam là một thị trường trong khu vực châu Á có hoạt động M&A được đánh giá sẽ rất sôi động.

Vì thế, Tập đoàn Deutsche Bank đã có những bộ phận chuyên trách về M&A ở mỗi khu vực của Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng của hoạt động này còn rất lớn ở các thị trường mới nổi, trong đó, ở khu vực châu Á, bình quân trị giá 180 tỷ USD/năm.

Xu hướng tất yếu

Trên thực tế, việc sáp nhập là cần thiết để tránh nguy cơ sụp đổ dù chỉ là một NH nhỏ bởi việc này khi xảy ra sẽ gây ra nhiều hậu quả. Thậm chí, không ít người đã e dè về một hiệu ứng domino sụp đổ lan tràn nếu có thực sự NH phải đóng cửa. Rõ ràng sáp nhập NH là cách khả dĩ hơn cả để tránh từ đóng cửa hay phá sản.

Dù không hoạt động trong ngành NH, nhưng là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cũng nói rằng, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về số thương vụ cũng như tổng giá trị giao dịch.

Nói như thế bởi số lượng thương vụ giữ đà tăng liên tục và đều đặn từ năm 2005 đến nay, ngay cả trong giai đoạn 2008-2009 khi nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam gặp khó khăn.

Về tổng giá trị các thương vụ, tuy có sụt giảm so với kỷ lục của năm 2007, nhưng trong năm vừa qua đã có sự tăng trưởng mạnh trở lại. Do vậy, tổng giá trị giao dịch sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011.

Theo chuyên gia của Deutsche Bank, nếu trước đây, các nhà đầu tư nhắm đến Indonesia thông qua M&A, thì nay xu hướng bắt đầu chuyển sang Việt Nam dù còn một số rào cản khiến nhà đầu tư e ngại, như tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, việc định giá khi doanh nghiệp niêm yết, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A chưa hoàn thiện…

Ngoài ra, một số vấn đề vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát… cũng như các quy định pháp lý khác cũng gây ra sự e ngại rót vốn vào Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nổi lên là thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Riêng đối với lĩnh vực tài chính – NH cũng được xem là tiềm năng và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ hội để thâm nhập vào lĩnh vực này nhằm cung cấp dịch vụ bán lẻ cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn rất lớn.

Đồng quan điểm đó, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán (CTCK) Bản Việt, đưa ra nhận định: “Trong lĩnh vực tài chính – NH thì xu hướng M&A vẫn còn âm thầm và chưa thực sự sôi nổi, vì luật pháp Việt Nam còn hạn chế việc cá nhân nắm tỷ lệ vốn tương đối ở một NH. Tuy nhiên, khả năng M&A ở lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động hơn so với những năm vừa qua”.

Từ lẽ đó mà năm 2011, Việt Nam được mong đợi có một số thương vụ M&A ở ngành NH. Điều này được coi là dấu hiệu cho sự phát triển M&A NH trong tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi tiến hành M&A phải đủ sức mạnh và lựa chọn hình thức chính xác.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng vì ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế nên sự thay đổi trong quy định tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư ngoại cần rất thận trọng.

QUỲNH VŨ