featured image

Làn sóng đổi mới sáng tạo của startup công nghệ y tế từ đại dịch Corona

Các startup công nghệ y tế cũng chạy đua trong việc tìm ra các ứng dụng hỗ trợ, giải pháp thúc đẩy nhanh hơn quá trình chẩn đoán, điều trị hay nghiên cứu thuốc chữa cho người bị nhiễm Corona

Công ty đầu tư mạo hiểm Startup Health cho rằng những thử thách do đại dịch Corona gây ra trên toàn cầu cũng đồng thời là cơ hội cho các startup công nghệ y tế (medtech). Trong số hàng trăm công ty đang được dẫn dắt bởi Startup Health, có hơn 20 công ty đang hướng tới nhân rộng giải pháp công nghệ, từ cải tiến quy trình và công cụ y tế đến các ứng dụng giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.

Thúc đẩy nhanh quá trình tìm ra thuốc điều trị

Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới. Năm 2003, các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển vắc-xin ngừa dịch SARS thì dịch bệnh đã kết thúc trước khi vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng.

Còn hiện nay, các startup y tế đang tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy nhanh hơn quá trình tìm ra thuốc điều trị Corona.

Công ty Cyclica tại Toronto, Canada đang sử dụng một nền tảng về khám phá thuốc để lên chiến lược cho các lựa chọn tái sử dụng tiềm năng cho việc tìm giải pháp điều trị Corona. Cyclica đã hợp tác với những viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cũng như các nhà nghiên cứu tại nước này trong nỗ lực sớm tìm ra giải pháp khả thi.

Parallel Profile (bang Florida, Mỹ) cũng đang hợp tác với các công ty công nghệ y tế khác nhằm khai thác cơ sở dữ liệu và các hồ sơ y tế điện tử (EMR). Mục đích của họ là tìm ra các loại thuốc có thể được lập tức tái sử dụng nhằm giúp bệnh nhân Corona tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm phổi, làm chậm quá trình phát triển của vi-rút và tăng cường trao đổi khí trong phổi.

Làn sóng đổi mới sáng tạo của startup công nghệ y tế từ đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Các công nghệ hiện đại dựa trên việc khai thác dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng kết nối đã và đang tạo điều kiện cho các giải pháp y tế được ra đời nhanh hơn. Ảnh minh họa: Forbes

Phát hiện sớm và giám sát từ xa

Chưa có nhiều hiểu biết về cách giảm thiểu sự lây lan của Corona trong những cộng đồng dễ bị tổn thương, cũng như cách thức vi-rút tấn công cộng đồng này. Để thúc đẩy việc phát hiện sớm các triệu chứng và hỗ trợ theo dõi từ xa, nhiều startup phát triển một số công cụ khả thi.

Công ty BreathResearch (California, Mỹ) tin rằng có thể cung cấp dữ liệu quan trọng giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm thông qua việc sử dụng thiết bị đo cảm biến để kiểm tra phổi trong vòng một phút, bao gồm đo chức năng hô hấp, phân tích âm thanh phổi và dùng AI để theo dõi từ xa.

Giải pháp của BreathResearch  đã được triển khai thử nghiệm trong một khu cách ly để chẩn đoán những người nhiễm vi-rút hoặc những người có nguy cơ cao bằng cách kiểm tra hai lần một ngày nhằm tìm hiểu xem bệnh có di chuyển vào phổi hay không và di chuyển như thế nào.

Aidar Health (New York, Mỹ) thì phát triển công cụ giống như ống thở, được gọi là MouthLab, dùng để ghi lại một chuỗi thông tin khi bệnh nhân thở vào thiết bị trong 30 giây, gồm nhiệt độ, chức năng phổi, nhịp thở, nhịp tim…

Đảm bảo không gian an toàn trong phòng của bác sĩ

Các thông tin đến nay cho thấy Corona có thể lây nhiễm khi một người tiếp cận bệnh nhân nhiễm bệnh trong khoảng cách 1,8 mét, và tiếp tục còn khả năng lây lan thông qua các bề mặt khác trong vòng 9 ngày và nhiệt độ phòng khoảng 21 độ C. Như vậy cần phải giữ cho khu vực chờ khám bệnh không bị quá tải, hạn chế sự tương tác với các bề mặt có khả năng lây nhiễm.

Nhiều startup medtech đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Công nghệ của Navimize (New York, Mỹ) giúp dự đoán sự chậm trễ trong lịch khám bệnh của bác sĩ và nhắn tin cho bệnh nhân về thời điểm khám, tránh thời gian chờ không cần thiết và tạo nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đó, hệ thống đăng ký và tiếp nhận bệnh nhân của Yosi Health (New York, Mỹ) được chạy trên các thiết bị riêng của bệnh nhân để giúp loại bỏ tình trạng đăng ký trên các thiết bị dùng chung tại các cơ sở y tế.

Còn FORCE Therapeutics (New York, Mỹ) thì cung cấp các kế hoạch chăm sóc bệnh nhân bằng hình thức video, giúp bệnh nhân sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật có thể dần phục hồi tại nhà, giảm thời gian lưu lại bệnh viện, tránh nguy cơ do tiếp xúc.

InSilicoTrials (Milan, Ý) phát triển công nghệ giúp lên kế hoạch khử trùng một căn phòng hoặc tòa nhà bằng cách chạy mô phỏng sự khuếch tán của tia khử trùng trong không khí, khi mà những biện pháp khử trùng thủ công bằng cách lau chùi bề mặt không cho hiệu quả cao.

Theo dõi sức khỏe người dân

Trong khi các chính phủ đang phải hợp tác với chính quyền địa phương và những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để theo dõi, ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các chuyên gia y tế lại chuyển hướng chú ý sang các startup phân tích dữ liệu, AI và tùy biến chuyển tải thông tin truyền thông đại chúng.

Responsum Health (Washington D.C, Mỹ) đang làm việc với các bệnh nhân xơ phổi (loại bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc Corona) để cung cấp thông tin cập nhật về bệnh cũng như hướng dẫn cách đề phòng thông qua ứng dụng di động.

LifeWIRE (Virginia, Mỹ) nghiên cứu giải pháp có thể được ứng dụng tức thì là giải pháp cho phép các tổ chức tạo một từ khóa động (dynamic keyword), ví dụ “Corona”, rồi gửi tin nhắn đến một số điện thoại cụ thể để thông tin về Corona. Giải pháp không cần thông qua ứng dụng di động này cũng có thể được sử dụng trong các báo cáo hay như một công cụ để kiểm tra triệu chứng theo các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Hay dịch vụ công cộng miễn phí Coronavirus Health Chats của Conversa (Oregon, Mỹ) giúp hỗ trợ các thông tin về vi-rút, kiểm tra các triệu chứng, đăng ký nhận thông báo… theo thời gian thực khi người dùng gửi tin nhắn đến số tổng đài.

Tận dụng dữ liệu, công ty Beyond Lucid Technologies (California, Mỹ) phát triển một bộ công cụ phân tích dữ liệu liên quan đến việc theo dõi thời gian thực các ca nghi nhiễm Corona, bao gồm viêm phổi, bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD), nhiễm trùng phế quản…

HealthTalk A.I. (Virginia) thì tận dụng chức năng đàm thoại bằng AI để đánh giá mức độ cần chăm sóc của bệnh nhân, trong khi Mediktor (Barcelona, Tây Ban Nha và New York, Mỹ) tạo ra công cụ kiểm tra không chỉ triệu chứng bệnh mà còn cung cấp các chẩn đoán phân biệt và khuyến nghị thực tế cho người dùng.

Curatio (Vancouver, Canada) xây dựng và cung cấp một nền tảng mạng xã hội về sức khỏe cho các tổ chức y tế, nhằm hỗ trợ bệnh nhân tự quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà trong khi vẫn được kết nối với các chuyên gia y tế, giảm số lần đến bệnh viện và cải thiện vấn đề tâm lý xã hội.

Sẵn sàng cho y tế từ xa (telemedicine)

Ý tưởng về y tế từ xa đã có từ nhiều thập niên trước nhưng tiến độ áp dụng đại trà vẫn còn chậm. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu y tế từ xa vốn trước đó chỉ là tính năng cộng thêm đã trở nên thiết yếu.

Công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc ảo chuyên về sản khoa Babyscripts (Washington D.C, Mỹ) đã hợp tác với các đối tác về sức khỏe để giúp phụ nữ mang thai cập nhật thông tin chính xác về vi-rút corona và giải đáp thắc mắc của họ theo thời gian thực.

SimpleVisit (Marlyland, Mỹ) giúp kết nối các nền tảng trò chuyện video để giúp các nhóm y tế khởi chạy liền mạch một chương trình y tế từ xa, kết nối bệnh nhân bằng cuộc gọi trực tiếp bởi các nền tảng thông dụng như Facetime, Skype và Google Hangouts.

(Nguồn: Forbesvietnam)

—————————————————-
STARTUP WHEEL 2020 – CUỘC THI KHỞI NGHIỆP CHUYÊN SÂU VÀ LỚN NHẤT VIỆT NAM CHÍNH THỨC KHỞI ĐỘNG

Startup Wheel không giới hạn độ tuổi, phá bỏ mọi giới hạn địa lý, là điểm hẹn thường niên cho các dự án khởi nghiệp Việt Nam và Quốc tế.

Startup Wheel – bệ phóng cho startup Việt vươn mình ra quốc tế.

Thời hạn đăng ký: 25/5/2020.
——————————————————

Link tham khảo và đăng ký tham gia Cuộc thi: https://startupwheel.vn/