featured image

Doanh nghiệp Việt Nam giành lại ngành bán lẻ FMCG

Đại gia ngoại lần lượt rời cuộc chơi ở Việt Nam

Tờ Korea Times mới đây đưa tin nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Emart đã quyết định bán 100% cổ phần tại E-mart Việt Nam Co. cho Ô tô Trường Hải (Thaco). Theo đó Emart không còn vận hành siêu thị mà sẽ nhượng quyền thương hiệu cho Thaco quản lý.

Công ty bán lẻ nước ngoài này thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ tháng 12/2015 thông qua cửa hàng đầu tiên tại Gò Vấp (TP HCM). Hãng có kế hoạch xây dựng một đại siêu thị thứ 2 nhưng đến nay vẫn bất thành. Korea Times cho biết sau nhượng quyền, Thaco dự kiến mở hơn 10 cửa hàng Emart đến năm 2025.

retail-1-9759-1621422908.png
Thêm đại gia bán lẻ nước ngoài nhường lại cuộc chơi cho doanh nghiệp nội.

Trước Emart, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài khác cũng thu hẹp hoạt động đáng kể. Dairy Farm (Hong Kong) từng đưa thương hiệu siêu thị Wellcome và Giant đến TP HCM nhưng cả 2 thương hiệu đều không thể trụ lại. Mô hình đại siêu thị Giant có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2011 đã âm thầm bỏ cuộc vì không thể xây dựng được chuỗi bán hàng.

Trong năm 2016, hệ thống Metro Cash & Carry (Đức) được chuyển về tay Tập đoàn TCC (Thái Lan) với giá trị 655 triệu EUR (bao gồm 19 siêu thị và nhiều bất động sản liên quan). Tương tự, Casino Group rời đi sau thương vụ bán chuỗi Big C Việt Nam cho Central Retail (Thái Lan) với giá hơn 1 tỷ USD.

Tháng 9/2018, VinCommerce nhận chuyển nhượng toàn bộ 23 siêu thị Fivimart khi chuỗi này liên tục lỗ nặng và Aeon ngưng hợp tác. Chuỗi cửa hàng Shop&Go của các nhà đầu tư Singapore gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005, nhưng đến giữa năm 2019 cũng chuyển nhượng 87 cửa hàng cho VinCommerce với giá chỉ 1 USD.

Chuỗi Auchan (Pháp) tiếp bước rời Việt Nam khi giao lại cho Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp quản, vận hành dưới thương hiệu Auchan (nay là Co.opmart SCA) sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ.

Hiện thị trường Việt Nam còn các chuỗi siêu thị nước ngoài lớn đang hoạt động như Lotte Shopping (Hàn Quốc), MM Mega Market, Big C (đổi tên thành chuỗi Go! và chuỗi Tops Market), Aeon Mall (Nhật Bản). Các nhà bán lẻ nước ngoài đang tỏ ra khá “hụt hơi” trong cuộc đua mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp nội lớn nhanh

Ngành bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện đại trước đây chứng kiến sự nổi trội của khối doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên các doanh nghiệp nội địa đang phát triển chuỗi nhanh để có thể cạnh tranh mạnh hơn, từ quy mô doanh thu cho đến số lượng cửa hàng.

Việc gia nhập của các doanh nghiệp trong nước là điều dễ hiểu khi thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác. Trước năm 2019 về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số. Ngay cả khi bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn tăng trưởng 6,8% đạt gần 4 triệu tỷ đồng (tương đương gần 173 tỷ USD).

Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam bắt đầu cho thấy cạnh tranh lớn hơn từ các thương hiệu nước ngoài như Central Retail, Aeon Mall và MM Mega Market, đến các công ty nội địa như Saigon Co.op, VinCommerce, Bách Hóa Xanh hay Satrafoods.

Đại diện từ Thái Lan, Central Retail đạt doanh thu 194,3 tỷ THB (khoảng 142.600 tỷ đồng) trong năm 2020. Trong đó thị trường Việt Nam đóng góp 23%, tức có doanh thu gần 32.800 tỷ đồng. Đương nhiên doanh thu từ Việt Nam đã bao gồm tất cả các mảng kinh doanh thực phẩm (BigC, Go!, Lanchi Mart), thời trang (Central Marketing Group), hàng điện tử (NguyenKim) và cho thuê bất động sản (Go!).

retail-3.png

Doanh nghiệp nội cũng đang mở rộng rất nhanh. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG – công ty mẹ Bách Hóa Xanh khẳng định mong muốn lấy lại ngành bán lẻ cho Việt Nam trong 5-7 năm tới. Ông nói thêm: “không có chuyện ai đó ở phương trời xa xôi đến đây múa rìu, thống trị và nói rằng Việt Nam phải mua hàng của họ”.

Chuỗi Bách Hóa Xanh thực tế đang tăng trưởng nhanh, từ doanh thu 4.000 tỷ năm 2018 đã tăng lên 21.260 tỷ đồng trong năm ngoái, mục tiêu cho năm 2021 là 30.000 tỷ đồng. Đây là chuỗi xuất hiện khá dày với khoảng 1.767 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Tương tự, VinCommerce cũng có ghi nhận doanh số siêu thị VinMart và VinMart+ tăng nhanh. Năm ngoái, doanh thu toàn hệ thống lên đến 30.978 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn lỗ EBITDA khoảng 1.234 tỷ đồng. Hiện chuỗi có tổng cộng 2.334 cửa hàng và lãnh đạo khẳng định mục tiêu tái mở rộng lên con số trước khi về tay Masan Group (3.072 cửa hàng).

Mới đây, Alibaba và Baring Private Equity Asia cũng tuyên bố rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX, khoảng 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành; đồng thời hợp tác với Lazada trên nền tảng tích hợp từ offline đến online. The CrownX là đơn vị sở hữu 83,74% cổ phần VinCommerce và 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings.

Saigon Co.op được xem là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, hợp tác xã này ước đạt doanh thu hơn 33.000 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt trên 1.000 tỷ đồng và là số ít đơn vị có lãi trong ngành bán lẻ kênh siêu thị.

Ban lãnh đạo Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8% – 10% và lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4% – 5%/năm trong năm nay. Đơn vị này còn muốn phát triển nhanh mạng lưới nhanh trên toàn quốc với khoảng 2.000 điểm bán vào năm 2025, gấp đôi hiện tại.

Theo NDH