featured image

Khởi nghiệp từ khổ qua rừng

TP – Đang kinh doanh ở lĩnh vực giáo dục, chị Nguyễn Thị Kim Thoa quê ở Cần Thơ chuyển sang khởi nghiệp với cây khổ qua rừng, loại cây khó trồng ở miền Tây nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa chăm sóc vườn khổ qua rừng.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa chăm sóc vườn khổ qua rừng.

Cơ duyên

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa quê ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thực phẩm, Đại học Cần Thơ vào năm 2006, sau đó, làm quản lý kinh doanh cho một công ty chuyên về lĩnh vực giáo dục ở Cần Thơ. Chị Thoa cho biết, công việc thường xuyên tiếp xúc với những người lớn tuổi nên gặp nhiều người bị tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp, tim mạch. “Trong dịp đi công tác ở Đồng Nai, tôi thấy người dân trồng cây khổ qua rừng. Họ nói rằng cây này trị tiểu đường rất tốt và họ lấy giống từ rừng về trồng”, chị Thoa kể cơ duyên gắn với loại cây này.

Từ ý tưởng đó, chị quyết định lai tạo đưa giống khổ qua rừng về trồng  thử nghiệm tại miền Tây, cụ thể nơi đầu tiên mà chị chọn trồng là tại Sóc Trăng vào năm 2013 với diện tích 1 ha. Sau đó, chị đem tặng những người thân bị tiểu đường uống. Từ đó, có cơ sở nghiên cứu việc chữa bệnh giữa những cây trồng ở trên rừng và ở vùng đồng bằng. Theo đó, hiệu quả  hỗ trợ sức khỏe mà nó đem lại đã nhận phản hồi tốt.

Năm 2014, chị Thoa nghỉ việc ở công ty chuyên về giáo dục và quyết định hùn vốn với vài người bạn, đồng nghiệp thành lập công ty CP TNB Việt Nam, đặt trụ sở tại thành phố Cần Thơ. Chị giữ chức vụ là Phó Tổng giám đốc điều hành. Cty của chị chuyên sản xuất trà khổ qua rừng. Đồng thời, tiến hành trồng đại trà loại cây khổ qua rừng tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng, diện tích lên đến 10ha. Đặc biệt, công ty đầu tư vào các vùng nuôi trồng dược liệu theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất có lợi cho sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Liên kết với nông dân bao tiêu sản phẩm

Nói về khó khăn khi đưa một loại cây từ rừng về đồng bằng trồng và phát triển, chị Thoa kể: “Khi mới bắt đầu bước vào khởi nghiệp với loại cây trồng này, tôi gặp nhiều trở ngại và khó khăn hơn những gì mình nghĩ”. Cụ thể, đây là loại cây không chịu được ngập úng, vì vậy đối với mùa lũ lụt, phải tuyệt đối tránh không cho nó ngập úng. Nếu như có ngập úng thì phải thoát nước nhanh, cây  mới phát triển bình thường. Hơn nữa, người dân thấy cây khổ qua rừng này có thể mang lại thu nhập hơn cây lúa. Với sự nỗ lực và tâm huyết, chị đã chứng minh rằng, mô hình trồng khổ qua rừng này giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng và thu nhập cao hơn bằng cách công ty phối hợp với một số hợp tác xã để trồng và cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ chi phí ban đầu để thực hiện, theo thỏa thuận, và người dân tiếp nhận, hợp tác.

Chị Thoa cho biết, Cty làm ra 4 dạng sản phẩm là trà thô khổ qua rừng MUDARU, trà túi lọc khổ qua rừng MUDARU, viên uống khổ qua rừng MUDARU dạng nang và dạng hoàn giúp hỗ trợ điều trị ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường…

Sản phẩm của Cty ngoài việc bán tại Cần Thơ, hệ thống phân phối của chị đã có mặt khắp cả nước. Theo lời chị, trong thời gian tới, sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Hồng Kông… Chị Thoa cũng cho biết thêm, cây khổ qua rừng là một nguồn dược liệu, có thể chiết xuất ra nhiều phương thuốc tốt để chữa bệnh, cứu người. Và mới đây, tại buổi làm việc với Hiệp hội Dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân làm động lực. Cần có những biện pháp để cây dược liệu trở thành sản phẩm hàng hóa quý của đất nước, vừa góp phần chữa bệnh vừa sản xuất hàng hóa cũng như nâng cao đời sống của người dân.

Trái khổ qua rừng còn gọi là mướp đắng, mọc tự nhiên ở nhiều vùng đồi núi. Trái có hình thù nhỏ xíu, trái to nhất chỉ bằng ngón chân cái. Theo y học cổ truyền, công dụng của khổ qua rừng có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.