featured image

HỘI THẢO PHÁT ĐỘNG STARTUP WHEEL 2016 KHU VỰC MIỀN BẮC

Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – STARTUP WHEEL 2016 do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) khởi xướng, đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) dưới sự chỉ đạo của Hội LHTN Việt Nam TP và Hội Sinh viên Việt Nam TP) đã chính thức khởi động từ tháng 03/2016 trên cả nước. Nằm trong chuỗi Hội thảo phát động Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – STARTUP WHEEL 2016, sáng ngày thứ Ba, 26/4/2016, Ban tổ chức cuộc thi phối hợp cùng Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội tổ chức buổi Hội thảo phát động cuộc thi tại Khu vực miền Bắc với chủ đề Công thức khởi nghiệp: 90+10=? tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội (182 Lương Thế Vinh, Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Hội thảo dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 700 bạn trẻ quan tâm đến Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – STARTUP WHEEL 2016.

Từ một cuộc thi khởi nghiệp hướng đến thanh niên, sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, STARTUP WHEEL 2016 đã trở thành sự kiện được mong đợi của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước khi mở rộng đối tượng đến toàn giới trẻ đam mê khởi nghiệp và các nhà sáng lập doanh nghiệp. Với mong muốn trở thành môi trường thực tập, bảo trợ khởi nghiệp thường niên lớn nhất dành cho giới khởi nghiệp Việt Nam, đối tượng tham dự STARTUP WHEEL 2016 được chia thành 02 bảng:

  • Doanh nghiệp khởi nghiệp: các mô hình khởi nghiệp đã đăng ký kinh doanh và hoạt động dưới 5 năm, Sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đã tồn tại và có người tiêu thụ
  • Cá nhân, nhóm khởi nghiệp: có thành viên tuổi đời dưới 35 tuổi có ý tưởng/sản phẩm/dịch vụ/mô hình khởi nghiệp cụ thểđang ở bất kỳ giai đoạn nào

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, chỉ riêng Hà Nội, trong năm 2015 đã có đến khoảng 18.340 doanh nghiệp thành lập mới. Và chúng ta cũng hiểu được một thực tế rằng, trong số những doanh nghiệp này dĩ nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua được 3 năm đầu tiên – khoảng thời gian được cho là chông gai nhất của một doanh nghiệp. Vậy nên, bên cạnh nội dung phát động cuộc thi, BTC cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trao đổi thêm về những góc nhìn mới mẻ trong khởi nghiệp, cùng nhau chia sẻ liệu rằng có công thức nào để thành công và hạn chế tối đa các rủi ro đặc biệt là trong hành trình sáng tạo ý tưởng, thực thi các ý tưởng thành mô hình khởi nghiệp cho đến nâng lên thành quy mô doanh nghiệp hay không? Tất cả sẽ được chia sẻ qua chủ đề Công thức khởi nghiệp: 90+10=?

Kindle (của Amazon) không phải chiếc máy tính đọc sách điện tử đầu tiên, Apple không phải cái tên đầu tiên sản xuất ra một chiếc máy nghe nhạc MP3, hay Facebook cũng hoàn toàn không phải mạng xã hội đầu tiên, Google, tương tự, không phải công cụ tìm kiếm đầu tiên của thế giới,… Thế nhưng những sản phẩm của họ vẫn được tung hô như một “sản phẩm cách mạng” và được đón nhận trên cả thế giới bởi một nguyên lý đơn giản là trở nên tốt hơn so với bản gốc còn hơn trở thành kẻ thất bại đầu tiên.

Trong khoảng một thập kỷ gần đây, “bắt chước” đã trở thành một cụm từ quá quen thuộc của giới khởi nghiệp, khi mà khởi nghiệp đang trở thành xu thế và các ý tưởng, các công ty khởi nghiệp liên tục “mọc lên như nấm” thì đây cũng là điều khó tránh khỏi. Mặc dù những ngày tháng thịnh vượng của “nền kinh doanh copy” đã qua, song mô hình “nổi tiếng” này vẫn đang rất thịnh hành đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, phong trào startup cũng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng startup thành công ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn chưa thực sự nhiều. Có thống kê cho rằng 100% startup tại Việt Nam đều “học hỏi” từ các ý tưởng trước đó nhưng đã biến sự học hỏi đó thành thành công theo hai hướng. Một là, trở thành số 1 trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam, sau đó mở rộng sang các thị trường tương đồng trong khu vực (Appota, CleverAds, Eway…), hoặc khởi đầu và thành công tại thị trường quốc tế rồi mới quay lại Việt Nam (JoomlArt, TruePlus, MoneyLover, Beeketing…)

Song, khi hầu hết các công ty khởi nghiệp đều đổ xô đi copy thì điều tất yếu là sự cạnh tranh cũng tăng lên, trên thực tế, nhiều người thành công nhưng cũng lắm kẻ trải qua không ít thất bại, nhiều người nhận ra mình sao chép nhưng số khác lại nghĩ ý tưởng của mình là “độc tôn”. Sự “sao chép” đôi khi còn vượt cả không gian hoặc thời gian, đặc biệt là ở thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam ví như Tiki hay Cốc Cốc… tạm gọi là thành công nhưng không ai dám khẳng định rằng các startup này hoàn toàn sáng tạo 100%. Như vậy, hàm lượng sao chép hay sáng tạo bao nhiêu là đủ cho một ý tưởng, 1%, 10%, 50% hay 90% thậm chí 99%?

Một số chuyên gia cho rằng các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam không yếu về kỹ thuật mà lại hạn chế về kỹ năng điều hành và đội ngũ điều hành. Vậy nếu khắc phục được điều này, đồng nghĩa với việc startup chỉ cần sáng tạo ít lại, còn lại là nâng cao năng lực thực thi thì đã đủ thành công hay chưa?13041465_1111498092235067_1815968132965288689_o

Riêng các startup công nghệ và startup ứng dụng công nghệ để quản lý và điều hành, trong điều kiện xu hướng công nghệ thay đổi liên tục hàng giờ, thì liệu rằng sao chép thôi đã đủ hay chưa, còn nếu không sao chép mà sáng tạo liên tục cập nhật theo thị trường nhưng không thật sự am hiểu người dùng thì có phải đây cũng là một trong những nguyên nhân nhanh chóng “giết chết” startup?

Vậy công thức khởi nghiệp để thành công là 90% sao chép + 10% sáng tạo hay ngược lại hay là một tỉ lệ nào khác áp dụng dành riêng cho thị trường Việt Nam?

Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong Hội thảo phát động Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Startup Wheel 2016 – Chủ đề: Công thức khởi nghiệp: 90+10=? Thông tin về hội thảo:

  • Thời gian: 8h ngày thứ Ba, 26/4/2016
  • Địa điểm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội (182 Lương Thế Vinh, Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
  • Diễn giả:
  1. Chị Dương Thanh Tâm – CEO Tổng Cty CP Onnet
  2. Anh Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT; Chủ tịch kiêm giám đốc công ty TNHH Sáng tạo Công nghệ FPT Toàn cầu
  3. Chị Trương Lý Hoàng Phi – GĐ Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ TPHCM

13072787_1111498708901672_6691039712594178599_oĐồng hành cùng Startup Wheel 2016 là Cty Dịch vụ Mobifone KV2 – Chi nhánh Tổng Cty Viễn Thông MobiFone, hứa hẹn sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp hướng tới sự hiệu quả trong việc quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ. Bên cạnh đó, Startup Wheel còn vinh dự nhận được sự đồng hành của Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC). Với các thương hiệu mạnh cùng một đội ngũ nhân lực nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tư vấn, đầu tư, HFIC sẽ tiếp thêm nội lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia trong cuộc thi năm nay, trong vấn đề thẩm định dự án và kêu gọi đầu tư, quản trị tài chính cho dự án. Và sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng sẽ là một kênh hỗ trợ tài chính để các dự án hiệu quả, khả thi có nguồn lực để thực thi.

Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – Startup Wheel 2016 sẽ tiếp tục nhận Hồ sơ dự thi của các dự án đến hết ngày 15/5/2016. Để biết thêm chi tiết về chương trình cuộc thi, vui lòng truy cập trang web www.startupwheel.bssc.vn, fanpage www.facebook.com/startupwheel, hoặc liên hệ trực tiếp: 08 5404 3555

160509 - LOGO TONG HOP