featured image

Câu chuyện khởi nghiệp của người thanh niên “TRUNG NGUYÊN”

Sau 16 năm, đã có 12,2 tỷ ly cà phê Trung Nguyên được tiêu thụ, 11/17 triệu hộ gia đình Việt Nam sử dụng cà phê Trung Nguyên, 60 quán cà phê Trung Nguyên (TNF) đã được khai trương. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng được duy trì trên 50% trong nhiều năm liên tiếp.

dlnv

Trí lớn, chí lớn và dũng cảm theo đuổi con đường mới

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Trung Nguyên từng chia sẻ, thanh niên muốn lập nghiệp phải có trí lớn, chí lớn, làm sao khát vọng thành đạt của cá nhân, hùng mạnh của cá nhân liên thông với hùng mạnh của quốc gia, hùng mạnh quốc tế. Người hùng mạnh phải có 4 yếu tố: có ý chí, hoài bão tức sức mạnh tinh thần, có sức mạnh thể chất, vật chất và giàu có về nhân văn, nhân bản.

Vào những năm 90, tại thị trường đang phát triển của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 250 USD (số thống kê vào năm 2011 là 1.200 USD), nhưng Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn thu hút thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Làm thế nào để chinh phục thị trường với một hệ thống phân phối nội địa kém hiệu quả như lúc bấy giờ? Ông chủ hãng cà phê lúc ấy đã có câu trả lời, thiết lập một hệ thống quán cà phê có kiểu mẫu một phần tương tự như Starbucks, nơi có thể giới thiệu và bán cà phê cho người tiêu dùng.

Kế hoạch xây dựng thương hiệu cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu đa quốc gia như Nescafe, và định vị nhãn hiệu như một phần văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Chọn đối thủ lớn và cam kết ganh đua

Michael Dell, người sáng lập tập đoàn Dell từng phát biểu: ”Khi chọn đối thủ lớn, tuyên bố cạnh tranh với lòng tự trọng sẽ giúp bạn luôn suy tư và tìm ra chiến lược tối ưu”. Rất nhiều doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chính mình và doanh nghiệp. Điều đó cũng tốt, vì đặt ra những mục tiêu khả thi phù hợp với sức của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp mới bảo toàn vốn và phát triển một cách an toàn.

Tuy nhiên, điều đặc biệt có thể thấy từ Trung Nguyên là luôn chọn những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều để tuyên bố cạnh tranh, như Nescafe, Vinacafe. Và kết quả là thị trường cà phê hòa tan Việt Nam được chia thành thế chân vạc rõ rệt. “Cuộc chiến” cũng đang diễn tiến thú vị và bất phân thắng bại. Có lẽ vì luôn đặt cho mình những mục tiêu lớn, mà Trung Nguyên đã đạt được những điều rất đáng nể, năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khối Asean

Khác biệt, ẩn dụ và lòng trung thành

Trung Nguyên đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia vào sản phẩm, vào thương hiệu, đã thật sự thu hút tầng lớp trung lưu, và thay đổi thị trường cà phê Việt Nam.

Khác với nhiều thương hiệu khác chỉ xoay quanh chiến lược tạo cảm xúc hằng ngày cho người tiêu dùng. Trung Nguyên đưa vào thương hiệu những cảm xúc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia một cách đậm nét như một lời cam kết và luôn tạo nên tính thời sự cho thị trường. 

Trung Nguyên khẳng định tố chất chính yếu và đặc trưng khác biệt của người thanh niên Trung Nguyên trên con đường đã chọn đó là Khát Vọng mãnh liệt – Sáng tạo đột phá – Can đảm chiến thắng – năng lực Chinh phục và đặc biệt là sự chung thủy với Lý tưởng phụng sự cộng đồng và đất nước

Cà phê Trung Nguyên ngày nay không chỉ còn là riêng câu chuyện của Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ nữa, mà đã trở thành câu chuyện lớn hơn, về một khát vọng doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường thế giới, trở thành tập đoàn Việt cạnh tranh bình đẳng, đàng hoàng với các đế chế trên thế giới

(Theo doanhnhansaigon.vn, trungnguyen.com.vn)