featured image

Cảnh giác thương nhân TQ gom hàng nông sản

Pháp Luật TP.HCM – Xét về lợi ích kinh tế, việc các thương nhân Trung Quốc đến tận nơi thu gom hàng nông sản khiến giá cả lên cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý, thống kê để việc thu mua vào khuôn khổ luật pháp.

Tôm là một trong những mặt hàng mà DN trong nước phải cạnh tranh thu mua khốc liệt với thương nhân Trung Quốc

Thu gom trực tiếp: Phạm luật

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyện thương lái Trung Quốc vào thu mua nông sản là không mới mà diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ VN thực sự đưa ra chiến lược để thích ứng với điều này. Cơ quan chức năng cũng không thống kê lượng thương nhân Trung Quốc vào thu mua hàng. Từ đó ông Sơn đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ có thể đến tận vườn mua được, trong khi doanh nghiệp (DN) của ta lại không vào thu mua được?”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết các vấn đề liên quan đến mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài đều phải tuân theo Luật Thương mại và các nghị định, thông tư liên quan đến thương mại dành cho DN, thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Điều 22 Luật Thương mại năm 2005 đã quy định thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại VN. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài đầu tư vào VN theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Nghị định 23/2007 của Chính phủ quy định các quyền xuất khẩu hàng hóa gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Tuy nhiên, quyền xuất khẩu này không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại VN để xuất khẩu, trừ trường hợp có quy định riêng giữa hai nước.

Bà Miêng cũng cho rằng vấn đề đặt ra chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và có ý kiến khi xảy ra khúc mắc. “Nếu họ mua bán đúng thủ tục, tuân thủ pháp luật thì không có gì sai. Chỉ khi họ tổ chức hệ thống thu mua trực tiếp thì chúng ta mới cần lên tiếng” – bà Miêng nhận định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng việc các thương nhân Trung Quốc vào VN mua bán nguyên liệu nông sản, thủy sản như vải thiều, thanh long, dừa, sắn… trong thời gian qua là chuyện bình thường trong quan hệ thương mại. Thậm chí, có thời điểm nếu Trung Quốc không thu mua thì hàng nông sản có nguy cơ sụt giá.

“Vải thiều chủ yếu là ăn tươi và sấy khô nhưng chúng ta chưa sấy khô được. Còn thanh long thì phải bán tươi càng nhanh càng tốt” – ông Phát nói.

Không để trốn thuế

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra việc thương nhân Trung Quốc luôn trả giá cao vì họ không đóng thuế. Còn DN VN khi mua bán đều phải đăng ký với chính quyền sở tại và nộp thuế. Việc không đóng thuế tạo cơ hội cho thương nhân Trung Quốc khống chế thị trường và có quyền quyết định giá mua bán.

Theo bà Lan, trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và hải quan. Các cơ quan này cần đưa ra một khuôn khổ pháp lý, quy chế về quản lý kinh doanh, hướng dẫn địa phương trong việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nêu trên. Những mặt hàng mang tính chất mùa vụ như vải, một năm chỉ tập trung dồn dập một vài tuần ở địa phương thì chính quyền địa phương không thể không biết.

TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, phân tích khi có nhiều người mua, nông dân sẽ có cơ hội bán được nông sản với mức giá có lợi hơn. Nhưng để DN nước ngoài lấn át các DN trong nước và giá trong nước tăng cao do việc thu mua này, chính là thể hiện sự yếu kém của các cơ quan quản lý tại VN.

“Dù VN đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới nhưng trên thế giới không có quốc gia nào để nước ngoài đến thu mua hàng hóa dễ như nước ta. Đối với các thương nhân nước ngoài làm ăn đứng đắn, thu mua có uy tín thì không cấm nhưng phải lập DN và đóng thuế theo quy định” – ông Nam cho biết.

Nông dân thích bán vải cho thương nhân Trung Quốc

Dù đã gần cuối mùa vải nhưng những ngày gần đây tại huyện Lục Ngạn có nhiều nông dân tấp nập chở vải ra bán. Tại thị trấn Lục Ngạn, rất dễ nhận ra các thương nhân Trung Quốc bởi họ nói tiếng Việt rất sõi và mặc cả giá sành hơn thương lái trong nước.

Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân xã Phượng Sơn cho biết năm nay không còn tình trạng được mùa rớt giá như các năm trước. Nhiều người trồng vải hào hứng vì bán được giá, thậm chí nhiều nhà có vải đẹp, quả to còn bán với giá gấp đôi, gấp ba năm ngoái. Trong đó phần lớn là bán cho thương lái Trung Quốc.

Ông Trần Xuân Lĩnh, ở xã Tân Quang cho hay thương nhân Trung Quốc mua mau bán nhanh, không kèo nèo về giá, miễn vải chín đều, ít cuống. Trong khi các thương lái người Việt thì cứ nâng lên đặt xuống, bớt từng xu một. Đó là nguyên nhân khiến cho người trồng không thích bán cho các nhà buôn trong nước.

Ông Hoàng Văn Toán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết khoảng 70% lượng vải của huyện xuất sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Khác với các DN trong nước đóng trên địa bàn, thương nhân Trung Quốc mua vải tận nơi với số lượng lớn, không ép giá, giá cao hơn nhiều so với các DN trong nước.