featured image

Doanh nghiệp hiến kế xây dựng một Chính phủ hành động

Diễn đàn ghi nhận sự thấu hiểu và chia sẻ về mặt tư duy, quan điểm hành động giữa các bên, nhằm mục tiêu chung là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Sáng 31/7/2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2- năm 2017 với chủ đề “Chương trình hành động từ Nghị quyết Trung ương 5”. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thông qua đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam – lần thứ 2 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” đã khép lại.

Diễn đàn ghi nhận sự thấu hiểu và chia sẻ về mặt tư duy, quan điểm hành động giữa các bên, nhằm mục tiêu chung là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Qua đó, tăng cường chỉ số niềm tin của doanh nghiệp đối với hệ thống quản lý Nhà nước, cũng như triển vọng phát triển chung của nền kinh tế.

Qua thăm dò ý kiến doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cho thấy, 56% doanh nghiệp trả lời và tin tưởng vào kết quả doanh thu năm 2017 sẽ tăng cao hơn gần 60% so với năm 2016.

Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp bày tỏ những băn khoăn về những rào cản của các giấy phép con; khả năng khởi nghiệp còn rất khó khăn vì không xin được giấy phép do một số ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục.

Đặc biệt, giấy phép xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp. Những thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chính sách thuế, bảo hiểm, tiếp cận vốn, cấp visa, việc cổ phần hóa doanh nghiệp là những rào cản hạn chế sự phát triển chung của các doanh nghiệp.

Với tỷ lệ 65% doanh nghiệp tham gia Diễn đàn đều bày tỏ mong muốn lớn nhất của mình vào lúc này là xây dựng một Chính phủ hành động. Được sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, đã có rất nhiều doanh nghiệp nêu các sáng kiến và hiến kế giúp Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn, giúp cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình cho rằng, doanh nghiệp tư nhân được sinh ra đã có tâm huyết và khát khao cống hiến cho sự nghiệp. Vì thế, không còn lựa chọn nào khác là hành động để kinh doanh hiệu quả.

Với sự ghi nhận của Nhà nước đối với vai trò và vị thế quan trọng ngày càng được khẳng định của khu vực tư nhân đã khiến cho các doanh nghiệp ngày càng tự tin, sẵn sàng và mạnh dạn đầu tư trong nhiều lĩnh vực cũng như các hoạt động của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Tiền, cần nâng cao quyết tâm và nỗ lực thực thi chính sách của các cấp, ngành và kể cả của các doanh nghiệp. “Phải cắt giảm, xóa bỏ những rào cản đang vướng chân doanh nghiệp. Cụ thể, nếu chi phí cho hoạt động xuất khẩu chiếm 23% doanh thu của doanh nghiệp thì rất nên được xem xét để giảm thấp”, ông Tiền đề xuất.

Nêu sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Trịnh Minh Giang, Tổng Giám đốc Công ty VMCG và bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đều có chung quan điểm, phải tìm được nguồn tài chính hữu dụng mới thúc đẩy sự hoạt động một cách hiệu quả của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp này cho rằng có thể không thông qua hình thức trực tiếp mà qua hoạt động của các tổ chức khởi nghiệp, các quỹ đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm, bên cạnh xây dựng những hành lang pháp lý, cơ chế vận hành quỹ sao cho không chịu sự ràng buộc và bị vướng bởi Luật Chứng khoán.

Các điều khoản áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần đơn giản hơn và dễ áp dụng. Có như vậy tính khuyến khích sẽ tăng cao, bởi họ là những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp này còn kiến nghị Chính phủ có thể miễn thuế hoàn toàn với các dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo môi trường và những cơ chế hỗ trợ phù hợp, mang tính thúc đẩy nhiều hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam nêu quan điểm, cần lấy doanh nghiệp làm chủ thể và là trung tâm để thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, lần đầu tiên, ngành nông nghiệp đạt tỷ lệ xuất siêu với kim ngạch khoảng 4 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chưa có sự quan tâm và đầu tư thích đáng để xây dựng một hệ thống sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường.

“Đã tới lúc thị trường nông nghiệp cần tập trung vào chủ thể là doanh nghiệp; chính sách nông nghiệp cũng nên lấy thị trường làm thước đo. Chính phủ cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai; xóa bỏ chính sách hạn điền…”, Ông Báo đề xuất.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I chia sẻ, các hoạt động chuyển giao và hỗ trợ hộ nông dân tiếp cận với các ưu đãi về đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn. Vấn đề thủ tục hành chính cũng còn nhiều vướng mắc.

“Chính phủ và các bộ, ngành cố gắng giảm tối đa các thủ tục. Mọi vấn đề liên quan tới sửa đổi luật định về tiền thuê đất, về thuế thu nhập doanh nghiệp…cần phải được tích cực triển khai và thi hành sớm trong năm 2017″, ông Tín nêu quan điểm.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu ý kiến và đồng tình với quan điểm rằng, nền nông nghiệp Việt Nam còn vướng nhiều vấn đề liên quan tới hạn điền; về vốn hay thị trường; về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất…. Chính phủ nhất trí sẽ trình Quốc hội và đề xuất sửa Luật Đất đai; trong đó, sẽ tập trung điều chỉnh chính sách hạn điền.

“Bởi nhìn toàn cục, vẫn có một số nơi, một số tỉnh đã và đang vận dụng chính sách hạn điền khá thành công như Thái Bình, Hà Nam… Ở đó, quyền của người nông dân vẫn được đảm bảo và hạn điền vẫn được mở ra”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.

Liên quan tới vấn đề tín dụng, Thủ tướng nhận định, Chính phủ đã dành gói cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua chỉ mới giải ngân được khoảng từ 20.000 tỷ đến 30.000 tỷ đồng. Như vậy, chứng tỏ các thủ tục giúp doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ còn khó khăn. Đây là vấn đề mà ngành ngân hàng cần tiếp thu, nghiên cứu tìm giải pháp để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất hữu cơ; nhất là đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, nghiên cứu vấn đề đầu ra và các giải pháp căn cơ để tránh không xảy ra tình trạng “Được mùa rớt giá” như thời gian trước đây.

Trong năm nay, Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển tốt hơn, Thủ tướng cam kết.

BNEWS/TTXVN