featured image

Chuỗi cửa hàng và franchise tại Việt Nam

chuoi cua hang va franchise tai viet namNhững tiện lợi của chuỗi cửa hàng

Chuỗi cửa hàng là một mô hình kinh doanh ai cũng thích vì nhiều lợi thế hấp dẫn. Trước hết chuỗi cửa hàng giúp thương hiệu định hình trong lòng người tiêu dùng vì tính tiện lợi. Đi đâu cũng gặp được thương hiệu này và dùng được sản phẩm với cùng một chất lượng chung. Kế đó chuỗi cửa hàng khiến người tiêu dùng tin vào uy tín thương hiệu khi chứng kiến sự đầu tư bài bản, qui mô, chuyên nghiệp.

Ngoài ra khi kinh doanh theo chuỗi, doanh nghiệp còn tận dụng được các cách quản lý theo nhóm cửa hàng, mua được nguyên vật liệu giá rẻ do đặt hàng nhiều, giảm được chi phí đầu vào. Vì thế, giá thành sản phẩm cũng sẽ rất hấp dẫn người tiêu dùng so với cùng một sản phẩm nhưng bán ở các cửa hàng riêng rẻ. Các chi phí quản lý nhân viên bán hàng, các khóa đào tạo cũng được tiết kiệm so với các thương hiệu chỉ có một cửa hàng đơn lẽ. Chi phí marketing, làm PR, xây dựng thương hiệu cũng sẽ giảm tỷ lệ nghịch với số lượng cửa hàng. Vì có nhiều lợi thế, những ai có một số vốn nhất định đều mong muốn xây dựng một chuỗi cửa hàng cho riêng mình. Có hai hình thức kinh doanh chuỗi cửa hàng. Thứ nhất là doanh nghiệp sau khi xây dựng thương hiệu với một nhóm cửa hàng, sẽ rao bán theo kiểu franchise (như trường hợp Phở 24). Thứ hai là doanh nghiệp tự quản lý chuỗi cửa hàng của mình và không muốn bán franchise (như chuỗi Highland Coffee).

Kinh doanh theo franchise

Trong các văn bản tiếng Việt, người ta thường nghe dịch chữ franchise là “kinh doanh nhượng quyền” và làm nhiều người lầm tưởng là một thương hiệu chỉ cần bán tên tuổi của mình một lần duy nhất theo kiểu “mua đứt bán đoạn” là xong. Trên thực tế, franchise có nghĩa là cam kết thỏa thuận giữa bên bán là chủ thương hiệu và bên mua là người muốn kinh doanh theo mô hình và uy tín đã được người tiêu dùng yêu thích. Bên mua được bên chủ thương hiệu cho phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo kế hoạch, hệ thống gắn liền với thương hiệu của chủ gốc thương hiệu. Người được cấp quyền phải trả cho bên cấp quyền các khoản phí franchise. Ngược lại, chủ thương hiệu phải có các khóa đào tạo giúp bên mua có được sản phẩm chất lượng tốt, cách quản lý bài bản đúng chuẩn. Theo một thời gian nhất định cụ thể, chủ thương hiệu phải có các buổi kiểm tra để chắc chắn rằng thương hiệu của mình được duy trì tốt. Hình thức franchise của chuỗi cửa hàng giúp chủ thương hiệu ngày càng “bành trướng” sang nhiều lãnh thổ xa. Chủ thương hiệu được lợi từ phí bán franchise và cùng lúc tên tuổi của mình cũng được nhân rộng hơn. Ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp khi tung ra chuỗi cửa hàng đều nhắm đến mục tiêu sẽ gây dựng được thương hiệu và sẽ bán được franchise. Tuy nhiên, từ kinh doanh chuỗi cửa hàng đến bán được franchise là một bước tiến dài không phải thương hiệu nào cũng làm được.

Franchise đầu tiên ở Việt Nam

Ở Việt Nam, franchise xuất hiện vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước khi người tiêu dùng ngỡ ngàng đi đâu cũng gặp Cà phê Trung Nguyên. Mọi người hỏi nhau “Chủ của Trung Nguyên là ai mà có vốn nhiều đến thế, mở hàng loạt các quán cà phê khắp các tỉnh thành?”. Thì ra, sau này báo đài thông tin, Trung Nguyên không phải của một chủ đầu tư duy nhất mà thương hiệu Trung Nguyên đã nhân rộng bằng cách nhượng lại tên tuổi cho các chủ khác. Cách làm của Trung Nguyên thời đó chưa hẳn là franchise nhưng dù sao cũng có công khai phá mô hình này và ít nhiều làm giới kinh doanh Việt Nam “sáng mắt”. Năm 1998 lần đầu tiên chúng ta mới có thông tư hướng dẫn nghị định 45/CP/1998 về chuyển giao công nghệ và có nhắc đến “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh – tiếng Anh gọi là franchise…”. Mãi cho đến năm 2006, franchise mới chính thức được luật hoá và công nhận. Trung Nguyên là thương hiệu đầu tiên ở Việt Nam kinh doanh theo franchise nhưng chưa bài bản. Trung Nguyên thành công trong việc nhân rộng mô hình quán cà phê trên toàn quốc, nhưng thương hiệu này chưa chú trọng đến việc duy trì chất lượng, đảm bảo cách quản lý chung, phát triển thương hiệu chung, kiểm tra định kỳ… Điều tất yếu là từ 2004, hệ thống chuỗi quán cà phê Trung Nguyên đã không được quan tâm chăm sóc đúng cách, số quán đã giảm dần và thương hiệu không còn “phong độ” nữa.

Franchise nổi tiếng ở Việt Nam

Nhắc đến mô hình franchise tại Việt Nam, mọi người không thể không nhắc đến Phở 24. Phở 24 bắt đầu có những tiệm phở đầu tiên vào năm 2003. Sau một thời gian ngắn gây tiếng vang tốt, thương hiệu này bắt đầu xây dựng hệ thống franchise bài bản. Phở 24 chỉ nhượng quyền thương hiệu trong một thời gian nhất định, có thu phí franchise, tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, kiểm tra định kỳ, giám sát chặt chẽ. Phở 24 còn biết cách làm PR quá chuyên nghiệp và quảng bá cách làm franchise đồng thời củng cố thương hiệu để thu hút thêm nhiều franchise khác. Trong chưa đến ba năm đầu tiên, Phở 24 đã rầm rộ mở liên tục tại tp.HCM và trong khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên đến nay thương hiệu Phở 24 không còn được người tiêu dùng “mê muội” như trước, nhất là giá của một tô phở đã tăng khá cao, từ chỗ 24.000 đồng vào năm 2003, đến nay sau sáu năm đã là 36.000 đồng. Tuy nhiên, chinh phục khách hàng trong nước đến nay không còn là mối bận tâm duy nhất của Phở 24, hiện tại thương hiệu này đã bán franchise sang nước ngoài, lúc đầu là các láng giềng lân cận như Philippine, Indonesia, Hongkong… nay đã có mặt ở Nhật, Hàn Quốc và nhiều dự án franchise sẽ phát triển tiếp tại Âu – Mỹ.

Các thương hiệu franchise thành công

Ngoài Trung Nguyên và Phở 24 được liên tục nhắc đến khi nói về franchise, ở Việt Nam còn những thương hiệu khác thành công với mô hình này. Hiện các Quỹ Đầu Tư đã bỏ tiền vào và hiện ở Việt Nam còn nhiều chuỗi cửa hàng bán franchise khác không kém phần sôi động và hiệu quả. Đó là tiệm bánh Kinh Đô, các thương hiệu thời trang Việt như Ninomax, Foci, giày T&T. Có thể nói T&T là thương hiệu đầu tiên bán franchise ra nước ngoài, vì bộ Thương Mại đã cấp phép cho giày T&T kinh doanh ở Malaysia và Úc. Thương hiệu này thuộc công ty Đức Triều, vốn là một tiệm đóng giày nhưng Đức Triều đã nhìn ra vận hội của mình khi mạnh dạn tiến hành các thủ tục franchise. Từ năm 2004 đến 2006, Đức Triều tiến hành tái lập và cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư thêm cho hệ thống chuỗi cửa hàng trong nước, mở các khóa đào tạo cho nhân viên… Hiện tại T&T có bốn cửa hàng chính thuộc nguồn vốn của mình (ba tại tp.HCM và một tại Hà Nội) và các cửa hàng franchise trong nước. Cho đến 2012, thương hiệu này sẽ có thêm ít nhất năm cửa hàng tại Úc và Malaysia.

Những chuỗi cửa hàng không thích franchise

Không phải thương hiệu nào cũng thích franchise, nhất là tâm lý của người Việt Nam thích co cụm kinh doanh theo gia đình và làng nghề. Họ không thích chia sẻ ý tưởng kinh doanh và muốn giấu nghề lâu chừng nào tốt chừng đó. Cũng có thể những thương hiệu này không có tham vọng bành trướng bởi lợi nhuận họ thu được đã quá đủ. Muốn franchise họ phải chấp nhận cuộc chơi “lớn thuyền lớn sóng”, phải đầu tư nhiều và rạch ròi, trong khi lợi nhuận thu được từ franchise thì chưa biết có xứng đáng hay không. Cũng có thể khi chấp nhận bán franchise, chủ thương hiệu chưa tự tin sẽ quản lý được chất lượng chung và không đủ khả năng kiểm tra các bên mua. Kinh doanh theo mô hình gia đình cha truyền con nối có chuỗi cửa hàng cơm tấm Kiều Giang, cơm Thuận Kiều, giày Đông Hải… Kinh doanh theo sự hỗ trợ của anh em có chuỗi cửa hàng Ciao café, tự thân vận động sau thời gian dài có bánh mì Như Lan. Những thương hiệu này chưa thích mô hình franchise. Ngược lại, họ đang được các thương hiệu nước ngoài “ngắm nghía” muốn mua lại. Đặc biệt chuỗi quán Highland Coffee đã “một thân một mình” gầy dựng thương hiệu từ bao năm nay ở Việt Nam nhưng chủ nhân cũng không có ý định bán franchise. Có thể vì một kế hoạch kinh doanh dài hạn nào đó mà Highland Coffee phớt lờ mọi lời đề nghị mua franchise. Hiện tại số lượng thương hiệu Việt Nam bán franchise ra nước ngoài còn quá hiếm hoi và doanh nghiệp chưa nhìn ra lợi thế của mô hình kinh doanh theo chuỗi – franchise. Vì thế, cơ hội cho những ai đang có ý định kinh doanh chuỗi vẫn còn khá nhiều.

Ph.Khanh

duongthuy.net