featured image

CEO Forum 2016: ‘Liên kết sức mạnh Việt – Nói mãi, làm được không?’

Lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện chiếm đến 96%, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc sớm trong hội nhập trước những thách thức, cơ hội mới.

Liên kết phù hợp mang tính chiến lược đối với CEO là nhu cầu bức thiết để tạo sức bật cạnh tranh, khai phá thị trường mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặt câu hỏi “Nói mãi, làm được không?”, các phiên thảo luận xoay quanh những mối liên kết quốc tế, liên kết đối thủ cạnh tranh và liên kết chuỗi giá trị là một cách định nghĩa lại về liên kết, để mở ra những góc nhìn mới hơn, hiện đại và đa chiều hơn, mang tính khả thi cao, phù hợp với tầm nhìn quốc tế.

Các diễn giả tham gia CEO Forum lần này là các CEO trong Top 500 doanh nghiệp có doanh thu trên 600 tỉ/năm như ông Sami Kteily, Chủ tịch HĐTV công ty nhà thép PEB; bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc công ty Amata Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc công ty hàng không VietJet; Ông Nguyễn Đức Tài, CT HĐQT công ty Thế giới di động.

Các diễn giả khác có ông Andy Ho, Giám dốc điều hành Vina Capital; ông Trần Lệ Nguyên, TGĐ tập đoàn Kido; ông Dỗ Hà Nam, chủ tịch HH hồ tiêu Việt Nam, TGĐ công ty xuất nhập khẩu Intimex TP HCM; ông Phạm Hồng Hải, CEO ngân hàng HSBC Vietnam; bà Lê Diệp kiều Trang, Giám đốc chiến lược  công ty Misfit Wearables; ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch công ty PhinDeli; ông Trần Vinh Dự, CT HĐQT trường cao đẳng nghề Việt Mỹ, Phó TGĐ Emst&Young Vietnam; ông Lê Đức Nghĩa, TGĐ công ty gỗ An Cường…

Đến dự sự kiện này còn có Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội, chuyên gia tư vấn của ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông Lê Nguyễn Minh Quang, trưởng ban đường sắt đô thị…

Trong buổi họp báo sáng 15/9, ông Phạm Phú Trường, thành viên của ban tổ chức cho biết: “Mối liên kết trong hội nhập để có thể hợp tác thành công  sẽ được định nghĩa lại, dựa trên nền tảng là sự chuyên nghiệp chứ không phải trên sự ưu đãi của Nhà nước hay các mối quan hệ.

“CEO phải tìm ra những mối liên kết quan trọng, trong đó có cả sự kết nối với chính phủ để có mối liên kết bền vững, phát triển tốt hơn. Nếu không liên kết ngay bây giờ để phát triển nội lực thì 96 % doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị nhấn chìm. Cạnh tranh lành mạnh cũng là một hình thức hợp tác.

“Mỗi doanh nghiệp có một hoàn cảnh riêng, một hướng đi riêng, tuy nhiên, để thay đổi cần nhất là thay đổi tư duy. Thông qua những câu chuyện cụ thể của doanh nghiệp, các CEO sẽ biết mình phải làm gì”.

Ông Lê Trí Thông, Phó TGĐ Prudential nhấn mạnh đến sự định nghĩa lại về “sức mạnh Việt”.

Trước đây môi trường kinh tế VN là môi trường nóng, thế mạnh dựa trên mối quan hệ, sự ưu đãi của Nhà nước. Nhưng hiện nay một số DN tư nhân có thế năng vượt trội hơn so với các DNNN được hưởng nhiều ưu đãi.

Làm sao dành được lợi thế cạnh tranh để tung ra những đòn quyết định? Uber 2 năm trước vào VN các công ty taxi không dự đoán được họ cạnh tranh mạnh đến thế.

Làm sao có thể hợp tác cùng một ngành với nhau? Những động thái mua bán sát nhập là cuộc nói chuyện của những đối thủ, để tạo ra những đồng nghiệp.

CEO Forum đặt ra nhiều góc nhình khác nhau cho DN, để tạo ra liên kết- cạnh tranh. Cuộc cạnh tranh bằng giảm giá, giành bánh phải chuyển sang nở bánh.

“Đặt câu hỏi “nói mãi có làm được không?”, thể hiện hết những đau đáu mong đợi của ban tổ chức. Chúng tôi cố mời những anh chị trong các thành phần khác nhau, quy mô khác nhau, để giúp DN biến thành hành động”, ông Thông nói.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp TPHCM chia sẻ: “Bạn chỉ có thể tự tin khi liên kết đối thủ khi biết bạn thực sự mạnh điều gì? Để tạo ra thế năng cho mình, để quyết định tại sao họ phải liên kết với bạn thậm chí trong cùng sân chơi với mình. Như vậy thì sân chơi sẽ lớn hơn, đối thủ thắng mà mình cũng thắng”.

Kim Yến