featured image

Cạnh tranh và liên kết với… đối thủ

Cạnh tranh và liên kết ngày càng gắn kết và hòa trộn với nhau. Các quan điểm truyền thống, chân phương về cạnh tranh cùng ngành đang dần bị thay thế bằng những quan hệ hợp tác – cạnh tranh phức tạp và đa chiều. Sự hợp tác này tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tận dụng được những cơ hội, thế mạnh từ chính các đối thủ.

Cạnh tranh và liên kết với... đối thủ

“Buôn có bạn, bán có phường”, nếu các DN Việt Nam liên kết để làm giá tốt thì chắc chắn “cái bánh” được chia vẫn hợp lý.

Cạnh tranh có thể xảy ra giữa những nhà sản xuất, phân phối với nhau, hoặc có thể xảy ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng khi người sản xuất muốn bán hàng hóa, dịch vụ với giá cao, còn người tiêu dùng lại muốn mua với giá thấp.

Có nhiều biện pháp cạnh tranh: cạnh tranh giá cả (giảm giá), hoặc cạnh tranh phi giá cả (khuyến mãi, quảng cáo, dịch vụ)…

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm TGĐ Hệ thống Thế Giới Di Động (TGDĐ), cho biết: “Tại Cần Thơ, tình trạng các nhà bán lẻ “đạp giá nhau” để cạnh tranh, giành giật thị trường khá quyết liệt. Tôi đã gặp các đại gia ở đó và và nói với họ rằng chúng tôi có đại lý ở toàn quốc nên cũng không thể bỏ Cần Thơ. Chúng ta có 2 sự lựa chọn: hoặc là cùng nhau bán giá tương đối để giữ lợi nhuận, hoặc là sẽ cạnh tranh đến cùng để bình định lại thị trường…”.

Theo ông Phạm Đình Nguyên – Chủ tịch Công ty PhinDeli, khi liên kết, cần xác định rõ ràng lợi ích của 2 bên trong tương lai có mâu thuẫn hay không? Bất cứ sự liên kết nào cũng chỉ mang tính tương đối và có thời hạn.

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch kiêm TGĐ Intimex Group thừa nhận: “Cạnh tranh để tiêu diệt lẫn nhau là không thể tránh. Nếu chúng ta không đề phòng thì cũng sẽ bị tiêu diệt, thôn tính qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A)”.

Bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cho biết, lợi thế cạnh tranh là vũ khí của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh không chỉ được tính bằng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị doanh nghiệp…mà còn gắn liền với ưu thế của sản phẩm mà doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Cạnh tranh cần lành mạnh và theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Nói xấu đối thủ, tung tin đồn thất thiệt… là hành vi trái với đạo đức kinh doanh. Trên thực tế vẫn còn không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn sử dụng những chiêu thức “đen” nhằm hạ thấp và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề để độc chiếm thị trường, tạo ra môi trường nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Ngoài ra, vai trò của các hội ngành nghề cũng rất cần thiết trong việc liên kết các DN trong cùng ngành nghề, hỗ trợ các DN cùng phát triển; giúp DN thay đổi nhận thức, tối ưu quy trình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng. Sẽ không có người thắng nếu việc kinh doanh được tiến hành giống như một cuộc chiến. Cạnh tranh khốc liệt mang tính tiêu diệt chỉ dẫn đến hậu quả thường thấy là sụt giảm mức lợi nhuận.

Hồng Vinh – Doanh Nhân Sài Gòn